“Cuộc chiến” chống tham nhũng và hiệu quả của sự răn đe

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng, chống tham nhũng (PCTN), xử lý cán bộ vi phạm, suy thoái, là những vấn đề liên tục nóng những năm qua. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và đặc biệt là sự ủng hộ của Nhân dân, công tác PCTN, lãng phí đã mang lại hiệu quả theo cả chiều rộng và chiều sâu, không còn “trên nóng dưới lạnh".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng ngày 26/7. Ảnh: Trí Dũng
Không ai có thể đứng ngoài cuộc
Sau Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, BCH T.Ư tiếp tục có nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đã chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đề ra các biện pháp để sửa chữa. Đây được coi là một “bước tiến mới”, tạo nên những luồng sinh khí mới, quyết tâm cao trong việc xử lý sai phạm, trong đó có PCTN.

Tại Phiên họp thứ 16 BCĐ T.Ư về PCTN vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh “làm mạnh mẽ để giữ uy tín, chứ không sợ mất uy tín”, càng làm người dân yên tâm và tin tưởng rằng “cuộc chiến” sẽ tiếp tục, sẽ quyết liệt.

Tuy nhiên, cùng với những giải pháp đã có, vẫn cần những biện pháp ngăn chặn kịp thời để các đối tượng tham ô, tham nhũng không có cơ hội chạy trốn và tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng phải thu hồi được cho dân.

PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội

Thực tế thời gian qua cho thấy, sự rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện, để lại dấu ấn tốt trong dư luận và người dân. Các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử như các vụ AVG, đánh bạc nghìn tỷ, Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt… tạo niềm tin trong xã hội.
Chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao đã không phải còn là mới khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên tục công bố các sai phạm và đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Số liệu thống kê có thể thấy, 5 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng trên 77.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, từ những kết quả đạt được cho thấy rõ quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, tạo lòng tin vững chắc trong Nhân dân. Đồng thời cũng cho thấy cái mừng, cái mới trong cuộc đấu tranh lần này là sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, T.Ư, cả bộ máy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiệu quả ngày càng cao. Điều đó cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con” hay “hạ cánh an toàn”. Hiện cũng đã xuất hiện những tập thể, cá nhân công khai tên tuổi cá nhân, tổ chức mình khi tố cáo, phản ánh những tiêu cực của các cán bộ có chức, có quyền. Những việc làm đó đã thể hiện cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực đang dần dần trở thành phong trào của toàn xã hội.
Tuy nhiên, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ, "phải kiên trì, kiên quyết", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ yêu cầu và nhấn mạnh nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đồng thời khẳng định: “Đây không chỉ là một "cao trào", càng không thể "chững lại". Bởi đấu tranh PCTN, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt. Cắt bỏ những "ung nhọt" trong nội bộ mình phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải làm bài bản, chắc chắn, vì sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của Nhân dân”. Những thông điệp này tiếp tục như tiếng trống lệnh, khẳng định quyết tâm, quan điểm không khoan nhượng với “sâu mọt” tham nhũng, tạo sức răn đe lớn khiến những người đang có ý định tham nhũng phải chùn bước.
Làm tốt từ “cái gốc”
“Chống” đã là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng “xây” mới là cơ bản, lâu dài. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh, phải tiếp tục tập trung siết chặt kỷ luật trong Đảng, đào tạo và sử dụng cán bộ đã tốt nhưng cũng phải kiểm soát quyền lực, giúp cho cán bộ không sa ngã…
Trong thời gian qua, hàng loạt những quy định của Đảng về luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm… cũng được ban hành. Trong đó, cụ thể hơn, lượng hóa sát sao các tiêu chuẩn, giúp Đảng có thể lựa chọn, sàng lọc cán bộ từ sớm, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng, những suy thoái trong Đảng...
Đặc biệt, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của BCH T.Ư quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư; Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư “về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” vừa được đưa vào thực thi đang tạo sức lan tỏa rộng. Cùng với Luật PCTN năm 2018 với nhiều quy định mới có hiệu lực thi hành, việc hoàn thiện thể chế, luật pháp đã tạo công cụ cho việc ngăn ngừa, đấu tranh PCTN, để thực sự “nhốt được quyền lực vào trong lồng luật pháp” và để các cán bộ “không thể, không dám và không muốn tham nhũng”.
Hiện các cấp ủy đang tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ban hành các Chỉ thị, bài viết quán triệt những nội dung cần lưu ý trong tổ chức Đại hội. Trong đó nhấn mạnh quan điểm nhất quyết không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, "cục bộ", "lợi ích nhóm", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào cấp ủy.

Trong thời gian tới, khi các giải pháp cả phòng và chống tham nhũng được tiến hành đồng bộ, sẽ tiếp tục tạo ra sức mạnh tổng hợp, thực sự có tác dụng răn đe lớn. Tuy nhiên, cái gốc vẫn là công tác cán bộ. Có làm tốt công tác này thì PCTN mới thực sự có gốc vững bền.

Trong thời gian gần đây, công cuộc chỉnh đốn Đảng, PCTN có những bước tiến rất đáng phấn khởi khi việc kiểm tra, sàng lọc được tăng cường đã giúp phát hiện và xử lý một loạt cán bộ suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Điều này trả lời câu hỏi của dư luận rằng: Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đang nằm ở đâu? Qua đó, tạo ra tác động tốt, khiến đảng viên và Nhân dân phấn khởi hơn, cũng là dịp để mỗi cán bộ nhìn lại mình, tránh để xảy ra sai phạm.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng