Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến giá rẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khoảng 3 năm trở lại đây, khách hàng liên tục được hưởng những đợt giảm giá của Hãng Hàng không quốc gia (VNA). Mỗi năm, hàng trăm ngàn vé máy bay được bán với mức giá giảm tới 50%.

Điều này không chỉ kéo theo sự kích cầu đi lại bằng đường hàng không mà còn khiến các hãng còn lại "lên cơn sốt". "Sốt cao" đến mức Hãng Hàng không Indochina Airlines đã phải dừng bay sau hơn một năm khai thác, do sức ép cạnh tranh quá lớn. Jetstar Pacific với lợi thế là hãng hàng không giá rẻ nhưng cũng phải thừa nhận khó chịu đựng nổi những đợt giảm giá ào ạt của VNA. Thậm chí trong năm 2012, Jetstar Pacific dự kiến sẽ tiếp tục lỗ không dưới 9 triệu USD.
 
Cuộc chiến giá rẻ - Ảnh 1
Hãng hàng không VNA. (Ảnh mang tính chất minh họa: Internet)

Mặc dù, mới tham gia thị trường, nhưng để khẳng định lợi thế giá vé rẻ, Vietjet Air đã tung ra nhiều đợt khuyến mại chỉ 19.000 đồng hoặc từ 350.000 tới 900.000 đồng cho các chặng bay trong nước. Ngay khi Vietjet Air tăng tần suất khai thác, VNA đã tung ra chiến dịch khuyến mại mùa thu với 300.000 vé có mức giá một chiều trên các chặng nội địa từ 550.000 - 950.000  đồng chưa kể thuế và phí.  Tuy nhiên, những mức giá này cũng không gây sốt với khách hàng so với những năm trước, bởi ngay cả trong dịp không giảm giá vào cuối tháng 8 này, khách hàng hoàn toàn có thể mua được vé Hà Nội - TP. HCM với giá khoảng 1,2 triệu đồng đã bao gồm cả thuế và phí. Và cùng hành trình này, chỉ với 1,3 đến 1,5 triệu đồng, khách cũng có thể mua được vé của VNA mà không mang tiếng "đi vé máy bay giá rẻ".

Với một loạt chiến dịch giảm giá, VNA sẽ gây một áp lực không nhỏ lên các hãng hàng không khác. Tuy nhiên, việc giảm giá của VNA cũng xuất phát từ áp lực cạnh tranh, trên cả đường bay quốc tế lẫn nội địa. Nhiều đường bay quốc tế của hãng bị ảnh hưởng do những yếu tố chính trị, kinh tế toàn cầu và sự xuất hiện các hãng cạnh tranh mới. Thay vì trông chờ doanh thu từ thị trường quốc tế để bù đắp cho các đường bay trong nước thua lỗ, VNA buộc phải nâng hiệu quả khai thác trên các tuyến nội địa. Trước mắt, bằng việc điều chỉnh lại sản phẩm, giảm tần suất trên các chuyến ít khách, điều hành linh hoạt khi thị trường suy giảm…

Đa dạng các loại hình tham gia kinh doanh hàng không đã gia tăng áp lực thị trường lên hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Và được hưởng lợi là người tiêu dùng khi có nhiều sự lựa chọn với nhiều mức giá hấp dẫn hơn.