Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Berlusconi và nhiều chính trị gia khác chỉ trích những chính sách thắt lưng buộc bụng mà ông Monti thực hiện hủy đã hoại đất nước và rút sự ủng hộ đảng chiếm số ghế lớn nhất trong Quốc hội hiện nay ra khỏi liên minh cầm quyền, khiến Chính phủ không thể đứng vững. Các biện pháp của ông Monti cũng làm mất lòng dân, dù những cuộc biểu tình không rầm rộ như tại Tây Ban Nha hay Hy Lạp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italia đã ở mức 11,1%, cao nhất trong 13 năm qua và nền kinh tế suy thoái quý thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, việc ông Berlusconi đã khẳng định sẽ ra tranh cử, mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 khiến châu Âu lo ngại rằng Chính phủ mới của Italia sẽ không tiếp tục các chương trình cải cách kinh tế. Cuộc phục kích của chính trị gia lão luyện Berlusconi đối với Chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Mario Monti một lần nữa đe dọa đưa Italia trở lại “mặt trận khủng hoảng nợ”. Ông Jens Weidmann, người đứng đầu Ngân hàng T.Ư Đức đã cảnh báo Italia sẽ phải đối mặt với một "thảm họa" vì các nhà đầu tư mất niềm tin khi các chương trình cải cách của "kiến trúc sư" bị đình lại do bất ổn chính trị tại đây. Trước đây, Italia thường xuyên rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, sản lượng sản xuất công nghiệp yếu kém và ngành kinh tế nhìn chung thiếu sáng tạo. Dưới thời của Chính phủ kỹ trị gồm toàn chuyên gia lão luyện về kinh tế của ông Monti, Italia đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong cải cách kinh tế và bước đầu đã thu được những thành công nhất định.
Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới 2013, đại đa số người dân Italia đều hy vọng vào một tương lai không nợ công, không phá sản, không suy giảm tăng trưởng, không thất nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh một cuộc chiến mang tên Berlusconi - Monti đã bắt đầu hình thành, bất ổn chính trị tại Italia nhiều khả năng sẽ quét sạch những thành tựu mà quốc gia này đã rất vất vả đạt được trong cuộc chiến chống nợ công thời gian qua.