Cuộc chiến tại Mosul và những rủi ro tiềm ẩn

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quân đội Iraq vừa khởi động cuộc tổng tấn công nhằm đẩy lùi IS khỏi thành phố Mosul.

Đây là trận đánh quy mô nhất, được chuẩn bị công phu nhất của chính quyền Iraq trong nhiều năm qua nhằm giành lại thành trì quan trọng nhất, lớn nhất đang nằm “dưới tay” của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

 

Việc tái kiểm soát được Mosul sẽ là một đòn giáng mạnh đối với IS . Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này được cho là sẽ không dễ dàng buông xuôi và đây sẽ là một trong những cuộc chiến tốn kém nhất và phức tạp nhất về chính trị trong các cuộc xung đột cho đến nay.

Tìm lá chắn “sống”

Trước khi bị IS chiếm đóng, Mosul có dân số khoảng 2 triệu người. Cho tới nay,  đây vẫn được coi là thành phố đông dân nhất và có diện tích lớn nhất bị IS chiếm đóng.Theo ước tính hiện có khoảng 8.000 chiến binh IS đang chiếm giữ Mosul và để chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công sắp tới của chính quyền Iraq và các đồng minh. Để chống lại cuộc tấn công sắp tới, IS cũng có thể cố gắng sử dụng thường dân tại Mosul làm lá chắn sống. Liên Hợp quốc (LHQ) ước tính, cuộc chiến Mosul có thể khiến 1 triệu người trở nên vô gia cư.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một khi IS bị đẩy vào đường cùng, tuyệt vọng chúng sẽ là một đối thủ nguy hiểm, khó vượt qua. Tình hình sẽ phức tạp hơn khi dân thường tại Mosul tìm cách chạy trốn khi cuộc chiến đang tới gần. Tuần trước LHQ cho biết đang chuẩn bị để các biện pháp để đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn khi trận chiến ở Mosul bắt đầu.

Lắm thầy có nhiều ma?

Tại Mosul, bài toán hợp tác giữa lực lượng từng đối đầu với nhau đang là khó khăn cốt lõi. Ước tính, khoảng 30.000 binh sĩ thuộc quân đội Iraq, lực lượng vũ trang người Kurd và dân quân Hồi giáo dòng Shiite đã tập trung để tái chiếm Mosul. Lực lượng này còn nhận được sự yểm trợ từ trên không bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu. Rất nhiều lực lượng tham gia chiến đấu chống IS hiện nay từng đối địch nhau và chưa từng có tiền lệ liên thủ để chống lại kẻ thù chung. Do đó, việc giành lại Mosul là thách thức khó nhất mà liên minh “lỏng lẻo” này phải đối mặt.

Giới chức Mỹ lường trước tất cả rủi ro và lỗ hổng trong kế hoạch tái kiểm soát Mosul, tuy nhiên mục tiêu chống IS vẫn được đặt lên hàng đầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên cạnh những “di sản ngoại giao” cũng muốn khẳng định sức mạnh quân sự của nước này trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Dự kiến sau khi trận chiến ở Mosul kết thúc, sẽ có rất nhiều câu hỏi về những gì có thể xảy ra đối với thành phố này, đặc biệt xét trong bối cảnh có rất nhiều phe phái đối lập, bao gồm cả cường quốc nước ngoài là Mỹ tham gia vào việc giải phóng thành phố. Bản thân thành phố Mosul với đa phần là người Sunni cũng đã bày tỏ mong muốn có vai trò độc lập hơn với chính quyền Iraq hiện do người Shiite nắm giữ. Đây có thể là nguồn gốc của những xung đột tiềm tàng mà nhiều nhà phân tích lo ngại. Theo đó, dù cuộc chiến chống IS ở Mosul có thành công vẫn tiềm ẩn nguy cơ một hỗn chiến chính trường giữa các lực lượng người Sunni, người Kurd và Shiite. Mỗi cộng đồng có thể cố thủ một phần thành phố trọng yếu này. Như vậy, chiến thắng trong việc đẩy lùi IS tại trận địa Mosul không loại trừ nguy cơ tiếp tục đẩy Iraq vào cảnh phân rã.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần