Cuộc chiến phòng, chống Covid-19: Việt Nam đã "Chủ động - Hợp tác - Minh bạch"

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam ghi nhận Việt Nam đã "Chủ động - Hợp tác - Minh bạch" trong cuộc chiến phòng chống Covid-19.

Ông Dan Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ: Việt Nam đã rất chủ động, hợp tác và minh bạch
Việt Nam đã thực hiện xuất sắc việc ứng phó với dịch Covid-19. Ngay từ đầu, Việt Nam đã có cách tiếp cận chủ động, với những nỗ lực trên toàn quốc nhằm xác định tất cả các trường hợp, định vị và cách ly, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, khuyến khích cộng đồng tham gia, cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng.
Đồng thời thu hút các nguồn nhân lực và vật lực chuyên dụng từ các bệnh viện, các cơ sở lâm sàng và trong lĩnh vực y tế công cộng nhằm ứng phó một cách hiệu quả. Những nỗ lực này đã được đền đáp, khi dịch được kiểm soát đáng kể, cho dù đã hơn 3 tháng kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất hiện dịch.
Ông Dan Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn/Hanoitimes 

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã áp dụng các lệnh hạn chế đi lại nhằm bảo vệ công dân của chính họ, và làm chậm sự lây lan của virus trên toàn thế giới. Chúng tôi tôn trọng quyền của mọi quốc gia trong việc thực hiện các hành động như vậy và chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho công dân, mọi người dân đang cư trú ở Việt Nam.
Đối với việc bảo vệ công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán đã đảm bảo phúc lợi và an toàn cho công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài là ưu tiên cao nhất của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp cho du khách Hoa Kỳ các thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh chóng này.
Chúng tôi sử dụng một loạt các công cụ, bao gồm tư vấn và cảnh báo du lịch, để truyền đạt thông tin về an toàn và an ninh một cách rõ ràng, kịp thời và đáng tin cậy, giúp công dân Hoa Kỳ đưa ra quyết định có cơ sở tham chiếu khi di chuyển ở nước ngoài. Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã ban hành nhiều tư vấn và cảnh báo du lịch, để thông tin cho du khách là công dân Hoa Kỳ về tình hình ở các quốc gia khác nhau.
Trang web của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam có một chuyên trang cung cấp thông tin cập nhật mới nhất về tình hình Covid-19 tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trang web này thường xuyên và khuyến khích công dân Hoa Kỳ đọc toàn bộ tư vấn du lịch mới nhất của chúng tôi, đồng thời đăng ký Chương trình đăng ký du khách thông minh để nhận thêm thông tin cập nhật.
 Bà Grete Løchen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội.

Bà Grete Løchen - Đại sứ Na Uy: Ấn tượng với những gì Chính phủ Việt Nam đã làm tới thời điểm này để phòng chống dịch
Ngay từ đầu, các bạn đã chủ động thực hiện các biện pháp mạnh để cô lập và ngăn ngừa virus lây lan, thông qua các chiến dịch phổ biến thông tin về tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh theo tiêu chuẩn, thông qua các biện pháp hành chính để truy tìm và xét nghiệm những người nghi mắc, cũng như những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Các nỗ lực này tỏ ra có hiệu quả, vì tới nay Việt Nam mới có gần 300 trường hợp lây nhiễm nhưng không có ca tử vong, hầu hết các bệnh nhân đã được xuất viện, hoàn toàn bình phục và hơn 1 tuần không có ca nhiễm mới.
Không chỉ có đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để cứu người, mà cả hệ thống chính trị cũng đang nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng rất chủ động chia sẻ thông tin và kêu gọi tinh thần hợp tác cùng chống dịch của các nước trong khối.
Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng cập nhật thông tin cho người dân một cách kịp thời và minh bạch, thông qua các kênh truyền thông khác nhau như đài, vô tuyến, báo chí và mạng xã hội (Facebook và Twitter). Có vẻ như các biện pháp đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Đoàn kết dân tộc có ý nghĩa quan trọng và trong những hoàn cảnh khó khăn thách thức như thế này, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều.
Ở Na Uy, chúng tôi cũng ít nhiều phải trải qua điều này. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn luôn chia sẻ kịp thời, chính xác và minh bạch các thông tin về dịch bệnh, bên cạnh việc thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế. Việc làm này đã đem lại lòng tin của người dân Na Uy vào những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống đại dịch. Đó là vì tương lai chung của tất cả chúng ta.
Hỗ trợ công dân Na Uy luôn là một phần công việc hàng ngày của Sứ quán, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp thế này. Chúng tôi đã tăng cường nguồn lực và dịch vụ để phục vụ cho công tác lãnh sự và coi đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Tới nay, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, theo dõi các nguồn tin của Chính phủ để cập nhật thông tin về những thủ tục xuất nhập cảnh có thể ảnh hưởng tới công dân Na Uy. Tất cả các thông tin này đều được chúng tôi chia sẻ trên các kênh truyền thông của mình và với Bộ ngoại giao Na Uy ở Oslo.
Bộ chúng tôi cũng đã thành lập các nhóm đặc trách để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả nhất cho công dân Na Uy ở nước ngoài. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin và hỗ trợ một số lượng đáng kể các công dân Na Uy cần trợ giúp ở Việt Nam và Lào.
Ông Antonio Alessandro - Đại sứ Italia tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Italia tại Hà Nội.
Ông Antonio Alessandro - Đại sứ Italia: Hi vọng việc đi lại và thương mại sớm hoạt động
Kể từ khi bắt đầu dịch cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng rất tốt đối với việc phòng chống dịch. Mặc dù các trường hợp bị nhiễm thấp hơn so với các nước khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa quyết liệt như, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt của những người có nguy cơ nhiễm bệnh, áp dụng việc cách ly xã hội bắt buộc đối với người dân. Những biện pháp này đã cho thấy tính hiệu quả của nó, theo xác nhận của WHO và một số chuyên gia quốc tế.
Thành công của Việt Nam cũng chính là nhờ người dân Việt Nam đã tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo của Chính phủ và những ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Những công dân Italia tại Việt Nam cũng cho thấy sự tuân thủ nghiêm ngặt của họ đối với các biện pháp của Việt Nam, vì sự an toàn của chính họ và cho những nỗ lực chung để ngăn chặn đại dịch. Kinh nghiệm về SARS năm 2003 và những bài học kinh nghiệm khi đó cũng đã giúp Việt Nam có sự chuẩn bị phản ứng hiệu quả.
Italia là quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị dịch bệnh tấn công. Vào cuối tháng 2, Việt Nam đã đưa ra biện pháp cách ly bắt buộc đối với khách du lịch đến từ Italia, và một vài ngày sau đó đã tạm dừng việc miễn thị thực cho công dân Italia. Tuy nhiên, do việc người dân di chuyển tự do ở châu Âu nên biện pháp này để ngăn ngừa sự lây lan của dịch đối với một quốc gia là không khả thi tại Việt Nam nên các biện pháp tương tự đã được áp dụng cho tất cả các nước Schengen vào giữa tháng 3.
Tôi hy vọng sẽ sớm chấm dứt dịch bệnh để việc đi lại được hoạt động trở lại. Việc tạm dừng đi lại giữa hai nước bị kéo dài có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm này khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp có hiệu lực.
Trong khi đó, quan trọng là hàng hóa và dịch vụ có thể tiếp tục được giao thương, vì cả Việt Nam và Italia đều phụ thuộc mạnh vào ngoại thương.
Đại sứ quán Italia đã xác nhận có khoảng 1.000 công dân Italia là cư dân dài hạn tại Việt Nam, 150 khách du lịch Italia hoặc có thị thực ngắn hạn. Trong đó, một số công dân đã được hồi hương về Italia nhờ một số chuyến bay đặc biệt được hỗ trợ bởi Liên minh châu Âu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần