Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Đại sứ thường trực Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin đã cung cấp cho các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bằng chứng không thể chối cãi về việc phe đối lập Syria sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông Vitaly Churkin, chuyên gia của Nga đã lấy mẫu, kiểm tra tại chỗ và thông qua phòng thí nghiệm được Tổ chức Cấm vũ khí hóa học chứng nhận cho thấy, lực lượng đối lập đã sử dụng chất độc sarin tại Aleppo ngày 19/3 khiến gần 30 người thiệt mạng. Nghiên cứu cho thấy, các khối đạn cũng như chất sarin bên trong đã được chế một cách thủ công vào khoảng tháng 2/2013 trên phần lãnh thổ Syria khi đó thuộc sự kiểm soát của một nhóm liên quan tới quân đội giải phóng Syria.
Đã có những bằng chứng về việc phe đối lập Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ảnh: AFP
Thông tin này đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc mà giới chức phương Tây đưa ra là chính quyền của Tổng thống Syria đã sử dụng các hóa chất độc hại. Trên thực tế, Mỹ vẫn đang tìm kiếm những cái cớ để có cơ hội viện trợ quân sự cho phe đối lập tại Syria một cách công khai. Tuy nhiên, ngay cả khi tập tài liệu dày 80 trang với đầy đủ chứng cứ của Nga được gửi đến Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jennifer Psaki vẫn khẳng định "chưa thể tin phe đối lập đã sử dụng vũ khí hóa học". Đồng thời còn cáo buộc Moscow "đang ngăn chặn nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế nghiên cứu vấn đề vũ khí hóa học" ở Syria.
Tuy nhiên, dường như những bằng chứng mà Nga đưa ra là quá rõ ràng, buộc Anh, Pháp và ngay cả các Nghị sĩ Mỹ cũng phải có tuyên bố, động thái cho phù hợp. Theo Ủy ban Tình báo và an ninh Anh, nếu ông al-Assad bị lật đổ, dự trữ vũ khí hóa học của Syria có khả năng rơi vào tay các lực lượng khủng bố và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan báo chí của Thụy Sĩ cũng công bố dữ liệu bác lại cáo buộc Damascus sử dụng các hóa chất bị cấm của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Trong một động thái bất ngờ, các Nghị sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Chính phủ phải tham vấn trước khi quyết định viện trợ cho phe đối lập Syria nhằm giảm thiểu nguy cơ lực lượng này sử dụng vũ khí hóa học.
Rõ ràng, những mưu đồ chính trị xung quanh sarin và các hóa chất độc hại giống như đã từng áp dụng tại Iraq được Mỹ và phương Tây ấp ủ suốt cả năm nay chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, khi mà những toan tính nhằm tước đoạt quyền lãnh đạo đất nước của Tổng thống al-Assad vẫn còn thì chuyện tạo ra một cái cớ để phát động cuộc chiến nhằm vào Syria hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc chơi địa chính trị giữa Nga – Mỹ cùng các nước có liên quan vẫn chưa dừng lại và nạn nhân tất yếu trong canh bạc này chính là người dân Syria.