KTĐT - Tỉ lệ tuyển sinh cho các chương trình tiến sĩ hàng năm tăng 23,4% kể từ 1982. Trong khi đó, tỉ lệ tuyển sinh cao học tăng 15% cùng kỳ.
Thông thường điều không được để ý tới trong sự phát triển kinh tế thần kỳ ở Trung Quốc ba thập niên qua là “phép màu” nhảy vọt về số lượng tiến sĩ.
Trung Quốc được cho là sẽ thế chỗ Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – sau Mỹ - trong năm nay hoặc năm tới về phương diện tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng năm 2008, đại lục đã vượt qua Mỹ trở thành “nhà sản xuất” hàng đầu thế giới về số người nắm giữ bằng tiến sĩ - bất chấp thực tế là chương trình đào tạo sau đại học chỉ bắt đầu trở lại năm 1978.
Khác với niềm tự hào quốc gia về chuyện thành công trong phát triển kinh tế, chương trình tiến sĩ của Trung Quốc lại khiến nhiều người hoài nghi, vì cho rằng, tham nhũng trong hệ thống giáo dục đã tạo nên “sự thoả hiệp, dàn xếp” về các chuẩn hàn lâm.
Theo thống kê của Yang Yuliang – Giám đốc Uỷ ban Học hàm thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, chương trình tiến sĩ đầu tiên của đại lục năm 1978 chỉ có 18 nghiên cứu sinh. Năm 1982, số người được trao bằng tiến sĩ đầu tiên là 6 trong 18 người.
Tuy nhiên, những chương trình đào tạo sau đại học đã gia tăng nhanh chóng năm 1999 do chính sách “công nghiệp hoá” đại học của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc tin rằng, chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn sẽ tạo ra một thế hệ dân thành thị có giáo dục hơn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.
Tỉ lệ tuyển sinh cho các chương trình tiến sĩ hàng năm tăng 23,4% kể từ 1982. Trong khi đó, tỉ lệ tuyển sinh cao học tăng 15% cùng kỳ. Tới cuối 2007, Trung Quốc cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người.
Tuy nhiên, số lượng các giáo sư đủ trình độ cần thiết để giám sát, hướng dẫn chương trình tiến sĩ như trên lại không đáp ứng yêu cầu đặt ra, khiến người ta quan ngại rằng số lượng không phù hợp với chất lượng.
Thừa tiến sĩ, thiếu học giả đẳng cấp thế giới
Theo Yang, mỗi giáo sư đủ khả năng của Trung Quốc đang phải hướng dẫn 5,77 nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao hơn nhiều với chuẩn quốc tế. Tuần trước, 12 giáo sư ở tỉnh An Huy đã viết thư gửi Bộ Giáo dục yêu cầu giải trình vì sao, hệ thống giáo dục lại thất bại trong việc đào tạo, sản sinh ra những học giả, nhà khoa học đẳng cấp thế giới. Câu hỏi này từng được Qian Xuesen, cha đẻ của ngành công nghiệp không gian Trung Quốc, đưa ra trước khi ông qua đời vào tháng 10.
Cũng có hoài nghi về việc thường xuyên xảy ra những quan hệ “không trong sáng” giữa các trường đại học, giới doanh nhân và quan chức - với rất nhiều người trong số họ tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ. Các giáo sư gửi thư trên nói rằng, doanh nhân và quan chức thường dùng tiền, quyền lực và ảnh hưởng để tránh phải làm những công việc cần thiết khi muốn sở hữu bằng cấp tiến sĩ.
Các nguồn từ ban Sau Đại học thuộc Đại học Tây Nam Trùng Khánh cho hay, khoảng một nửa quan chức chính phủ trong các quận huyện thuộc thành phố Trùng Khánh là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ ở trường của họ. Và Trùng Khánh không phải là trường hợp duy nhất.
Hãy đem so sánh với câu chuyện đáng ngạc nhiên mà báo chí nêu về Zhang Ping, gần đây được bổ nhiệm là Bộ trưởng Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia - người chỉ có bằng của một trường trung học dạy nghề. Sau đó, Zhang đã được hoan nghênh nhiệt liệt vì không phô trương bằng cấp, nền tảng giáo dục của mình.
"Hầu hết bằng cấp của quan chức đều đáng nghi"
Nhu cầu bằng tiến sĩ phát triển khi Bắc Kinh thường đưa ra quyết định bổ nhiệm dựa trên nền tảng giáo dục của một ứng viên. Với rất nhiều quan chức, bằng cấp cao hơn cũng là một cách lấy thể diện.
Quan chức để mắt tới các trường đại học trong phạm vi kiểm soát của mình. Hơn nữa, nhu cầu quan chức cần bằng cấp cao hơn đã trở thành cơ hội kinh doanh cho trường học. Rất nhiều trường đại học (kể cả một số trường nước ngoài) thiết lập các văn phòng tuyển sinh ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Ở một số chương trình, quan chức có thể sớm kiếm tấm bằng mong muốn ngay tại nhà mà không cần tham gia thi cử.
Trong khi hầu hết người dân thường Trung Quốc kiếm một tấm bằng tiến sĩ là phải trải qua một quá trình khó khăn, thì những người có quyền lực giờ đây thường đề cập tới cái gọi là “lộ trình xanh” - từ thi cử đầu vào tới bảo vệ. Thi đầu vào thường do các trường đại học tổ chức độc lập, để thu hút các sinh viên quyền lực, một số trường đại học còn chào mời “nhận học không cần thi”.
Khi tham gia tuyển sinh, những sinh viên “đặc quyền” không cần coi kỳ thi quá quan trọng, trong nhiều trường hợp họ điều động thư ký tới lớp và thi cử. Giáo sư Thái Tề Minh ở Đại học Thanh Hoa thậm chí còn nhấn mạnh là “hầu hết bằng cấp mà các quan chức Trung Quốc có được đều đáng nghi”.
Wang Yi, cựu Chủ tịch Uỷ ban Điều phối Chứng khoán của Trung Quốc, người bị bắt giữ hồi tháng 2 vì tình nghi nhận hối lộ, là một ví dụ. Lý lịch của Wang ghi rằng, ông là một tiến sĩ kinh tế nhưng bằng cao học lại về lịch sử và chỉ mất hai năm, Wang có bằng tiến sĩ.
Trường hợp của Wang khiến giáo sư Kiến Hùng ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải phải lên tiếng mỉa mai: "Thật ấn tượng khi Vương theo được chương trình tiến sĩ kinh tế rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Ông ta không chỉ là một người thông minh học nhanh, còn là người có khả năng hoàn thành nhiều việc cùng lúc trong khoá học, vượt qua các kỳ thi cử, kết thúc luận án và bảo vệ luận án chỉ trong hai năm.
"Để có bằng tiến sĩ trong cùng thời gian làm việc bận rộn, nếu không là một thiên tài, ông ấy cũng phải là tài năng sáng chói”, giáo sư Hùng nhấn mạnh. Vị giáo sư này yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc tấm bằng tiến sĩ của Wang, nhưng yêu cầu không có lời đáp.
Cuộc thoả hiệp cùng có lợi
Theo giới quan sát, việc nhiều quan chức Trung Quốc sở hữu những tấm bằng tiến sĩ không minh bạch không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên giáo dục, mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng lòng tin trong hệ thống giáo dục, hư hại đến giá trị của những tấm bằng tiến sĩ đích thực. Trong khi đó, một số trường đại học lại nói rằng, họ phải đáp ứng yêu cầu của những vị quan chức nếu muốn đảm bảo tài chính để tồn tại.
Một phó hiệu trưởng trường đại học tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, người giấu tên, cho biết, hầu hết trường đại học trông chờ vào ngân sách chính phủ, đặc biệt là các quỹ nghiên cứu, dự án và kế hoạch phát triển. Nếu một trường đủ dũng khí từ chối tiếp nhận một quan chức có quyền lực, thì lập tức trường đại học khác sẽ nhanh chóng nói câu “sẵn sàng”. Vị quan chức bị trường nào từ chối có thể coi là hành động bị bỉ mặt và sẽ tìm kiếm trả đũa.
Với những người hướng dẫn nghiên cứu sinh là quan chức cấp cao, thì mối quan hệ thầy – trò có thể là một tình thế đôi bên cùng có lợi: thầy dễ dàng tiếp cận hơn với dự án nghiên cứu và tài nguyên, đồng thời có thể tận dụng “cái bóng” của nghiên cứu sinh quyền lực để tìm kiếm những tài nguyên khác.
Hầu hết các trường đại học ở Trung Quốc là trường công, hiệu trưởng thường do chính phủ chỉ định và ngân sách hoạt động cũng do chính phủ phân phối. Ở một chừng mực nào đó, quan chức trường học cũng là quan chức chính phủ - họ thường được điều động từ một cơ quan chính phủ đến trường đại học hoặc ngược lại, vì vậy, họ có quan hệ với các quan chức chính phủ ở ban ngành khác.
Ở các trường đại học, ảnh hưởng và vị thế của một nhân viên không phải ở học vị mà là cấp bậc hành chính. Cấp bậc càng cao quyền lực càng nhiều hơn. Bởi thế, các nhân viên đại học thường đặt mục tiêu vươn tới các cấp hành chính cao hơn thay vì giành một học vị hàn lâm phù hợp.
Điều này dẫn đến một tình trạng là, các quan chức chính phủ thì xếp hạng đua tranh giành bằng cấp hàn lâm cao hơn còn quan chức trường đại học lại nỗ lực tìm kiếm cấp bậc hành chính lớn hơn.
Kết quả là, các trường đại học thì vật lộn với mục tiêu sản sinh ra những học giả lớn còn bộ máy hành chính thì thiếu các chính khách tài năng. Một nhà toán học nổi tiếng, giáo sư Harvard - Shing-Tung Yau – trong bài phát biểu tại Đại học Nam Khai, đã chỉ trích nạn tham nhũng trong trường học tại Trung Quốc là "nỗi nhục quốc thể”.
Sự hoài nghi, nỗi tức giận của người dân khi nạn tham nhũng và nhiều vấn đề khác trong giáo dục ngày một lan tràn đã khiến Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây ra quyết định sa thải Bộ trưởng Giáo dục Zhou Ji, người đảm nhận chức vụ này từ năm 2003.