Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đua tìm kiếm nhân tài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong một báo cáo được công bố mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo số người thất nghiệp trên thế giới sẽ lập kỷ lục mới là 202 triệu người trong năm nay và còn tiếp tục tăng cho đến tận năm 2017.

Tuy nhiên, dù thị trường lao động toàn cầu đang khủng hoảng nghiêm trọng nhưng thế giới vẫn đang bước vào cuộc chạy đua thu hút nhân tài vì quốc gia nào sở hữu nhiều phát minh hơn, công nghệ phát triển mạnh hơn sẽ trở nên thịnh vượng và mạnh hơn.
 
Cuộc đua tìm kiếm nhân tài - Ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp mặt với sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên Đại học quốc gia Baltic.
 
Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào trình độ của nguồn lao động và cuộc chiến "săn đầu người" ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đưa ra những chính sách đãi ngộ tốt nhất để mời gọi các sinh viên nước ngoài xuất sắc đang du học tại đây. Theo Ủy ban châu Âu (EC), với mục tiêu "xây dựng khu vực kinh tế năng động nhất thế giới dựa trên nền tảng trí thức", EU đang cần khoảng 1 triệu nhà nghiên cứu có trình độ cao. Vì thế, để tạo thế cân bằng trong cuộc giành giật nhân tài với Mỹ, từ năm 2008, các nhà lãnh đạo EU đã công bố sáng kiến gọi là "Blue Card" (Thẻ xanh), cho phép các chuyên gia khoa học không phải công dân châu Âu nhưng sẽ được đãi ngộ nếu đến làm việc ở châu lục này.
 
Trong khi đó, nhằm thu hút nhân tài về nước làm việc, Chính phủ Nga vừa phê duyệt kế hoạch giai đoạn 2013 - 2020 cho chương trình hồi hương người Nga ở nước ngoài. Theo đó, để tăng sức "cạnh tranh" với các nước châu Âu, Nga sẽ chi khoảng 22 tỷ Rúp (khoảng 700 triệu USD) từ ngân sách liên bang để "thu hồi" nhân tài về phát triển đất nước của Nga. Dự kiến, với kế hoạch này đến năm 2020, số nhân lực chất lượng cao của Nga tham gia trong các chương trình hồi hương sẽ tăng lên 55.000 người/năm. Việc Chính phủ Nga chi 1,2% GDP cho kế hoạch thu hút nhân tài, Mỹ chi 3% và Nhật Bản giữ mức kỷ lục là trích 4,5% GDP cho chiến lược thu hút nhân tài. Những khoản ngân sách khổng lồ dành cho đãi ngộ này đã tạo nên xu thế di cư nhân lực chất lượng cao từ các nước tới Mỹ, EU, Nhật Bản...
 
Theo số liệu mới công bố, trong quý I/2013, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên mức kỷ lục 27,2%, tương đương 6,2 triệu người thất nghiệp. Trước đó, trong quý IV/2012, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã ở mức 26% - mức cao nhất trong Eurozone.
Phát biểu trong cuộc gặp với các sinh viên và giảng viên Đại học tổng hợp Baltic, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ mở rộng chương trình và các biện pháp thu hút nhân tài về nước làm việc, trước mắt là các chuyên gia và nhà khoa học Nga đang nghiên cứu và làm việc ở những nước tiên tiến trên thế giới. Chính phủ Nga đã lập Quỹ hỗ trợ nhân tài và 77 nhà khoa học đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ quỹ này. Đồng thời, Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nâng cao tay nghề và nghiên cứu khoa học, khuyến khích vật chất cho nhân tài để các nhà khoa học trẻ không rời bỏ Nga ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên để cạnh tranh được với châu Âu, Thủ tướng Nga D.Medvedev cho rằng, mục tiêu then chốt để thu hút nguồn lao động chất lượng cao không phải nằm trong việc ban hành các quy định "giữ chân" nhân tài mà Chính phủ cần phải tạo ra một môi trường kinh tế hiện đại, đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ cao.
 
Không còn bằng lòng với việc nhập nguyên liệu thô của thế giới để giúp sản xuất trong nước chinh phục nền kinh tế thế giới, Trung Quốc cũng đang triển khai kế hoạch mới: Thu hút nhân tài của các đối thủ cạnh tranh. Thông qua hệ thống "thẻ xanh" hoặc giấy phép cư trú lâu dài được sử dụng để thu hút nhân tài và khuyến khích họ ở lại Trung Quốc. Nhờ nỗ lực khắc phục hệ thống chính sách nhập cư phức tạp, nhân lực nước ngoài chất lượng cao từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Singapore làm việc tại Trung Quốc đang tăng lên.
 
Trong khi Nga đang dốc sức để "hồi hương" nhân lực chất lượng cao, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng. Các biện pháp khắc khổ không khiến tỷ lệ thất nghiệp tại vùng đất thần thoại này lên mức 26,4%, cao nhất EU mà còn khiến nhiều lao động có tay nghề cao, các nhà khoa học rời bỏ nước này để ra nước ngoài tìm cơ hội mới. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Thessaloniki, từ năm 2010, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp đến nay, đã có 120.000 người có chuyên môn rời bỏ quê hương sang làm việc tại 70 quốc gia khác trên toàn cầu. Đa số những trí thức Hy Lạp ra nước ngoài tìm đến các thành phố lớn ở châu Âu và làm việc trong lĩnh vực tư nhân, phân nửa trong số này có nhiều bằng cấp từ 100 đại học hàng đầu của thế giới. Các nhà phân tích nhận định, hiện tượng chảy máu chất xám của Hy Lạp sẽ còn kéo dài và hệ quả của nó vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn cả xã hội và nền chính trị. Nhân tài giảm, sẽ không đủ người đảm đương công việc kiến thiết lại nền kinh tế của Hy Lạp thoát khỏi cơn suy thoái.