KTĐT - Thấy có người đến nhà, cụ Hết lập cập bước xuống khỏi giường ra cửa chào khách. Cụ nặng tai, nói lớn thế nào cụ cũng lắc đầu. Hỏi về con cháu, cụ cười món mém: “Nhiều cháu lắm, giờ tôi có nhiều cháu lắm. Tôi không có con, chỉ có cháu nhưng cháu bên nội hay bên ngoại mình cũng không nhớ”.
Nói về việc mình trúng số bạc tỷ, gây xôn xao dư luận cả nước, cụ Hết chẳng nhớ gì nhiều. Cụ bảo: “Tiền trúng số mình cho nhiều lắm, cho hết rồi!”.
“Giờ tôi nhiều cháu lắm”
Khi chúng tôi tới thăm nhà cụ Nguyễn Văn Hết - người trúng số độc đắc 7,6 tỷ đồng hồi đầu năm nay - trong con hẻm 431 Lạc Long Quân, P.5, Q.10, TPHCM, trong nhà có một người phụ nữ tầm 55 tuổi, rất kiệm lời. Cụ bà giới thiệu đó là cháu cụ Hết, tới đây sống chăm hai cụ.
Thấy có người đến nhà, cụ Hết lập cập bước xuống khỏi giường ra cửa chào khách. Cụ nặng tai, nói lớn thế nào cụ cũng lắc đầu. Hỏi về con cháu, cụ cười món mém: “Nhiều cháu lắm, giờ tôi có nhiều cháu lắm. Tôi không có con, chỉ có cháu nhưng cháu bên nội hay bên ngoại mình cũng không nhớ”.
Nói về việc mình trúng số bạc tỷ, gây xôn xao dư luận cả nước, cụ cũng chẳng nhớ gì nhiều. Đưa tay chỉ tờ giấy cảm ơn của UBND Q.11 về việc cụ đã đóng góp 250 triệu đồng cho quỹ người nghèo, được đóng khung cẩn thận treo trên tường, cụ nói: “Tiền trúng số mình cho nhiều lắm, cho hết rồi!”.
Rồi cụ lại chỉ sang bức ảnh của cụ bà ngay cạnh, cười tươi: “Bà nhà tôi đó, bà ấy lúc còn trẻ”.
Căn nhà nhỏ diện tích không đến 15m2 của vợ chồng cụ đã được sửa sang lại, sáng và sạch sẽ hơn. Nhiều vật dụng trong nhà đã thay mới như ti vi, tủ lạnh, bếp ga… nhưng những món đồ cũ vẫn được cụ giữ lại. Thế nên, trong căn nhà cụ vẫn còn nguyên “dấu tích” của một đời nghèo khó.
Dường như đã lâu mới được nói chuyện với “người lạ” nên cụ tỏ ra rất bịn rịn, không muốn khách ra về. Khi tiễn khách, cụ nói: “Nhớ quay lại nhé! Đi là phải quay lại”.
“Tỷ phú” hết tiền, đi vay hàng xóm?
Nhiều người sống quanh nơi cụ ở cho biết, cụ Hết rất hay đi vay tiền, lúc 100.000, lúc 200.000 đồng. Thế nên người ta gọi cụ là: “Cụ Hết… hết tiền”.
Chị Đ.T.M, nhà trong con hẻm đối diện nhà cụ Hết cho biết, cụ rất hay qua mượn tiền vợ chồng chị, lúc thì cần tiền đi đám ma, lúc lại cần mua vé số giúp ai đó. Lâu lâu, người phụ nữ tên Liễu cháu cụ lại đưa tiền sang trả.
Chị M cũng kể, cả chục năm nay chị sống ở đây, không hề gặp con cháu cụ, chỉ gặp cô con gái một người bạn của cụ bán hàng rong lâu lâu ghé thăm.
Giọng chị M bùi ngùi: “Còn bây giờ thì nhiều lắm, con cháu đông hơn. Trước cụ Mười (tên gọi thường ngày của cụ Hết - PV) phải lo hết cho cụ bà, giờ thì có người khác đến chăm. Có cô giúp việc nhưng cô ấy cũng hay về quê. Tôi thấy, người ta trúng số thì được hưởng nhưng cụ Mười thì không, tại cụ lớn tuổi quá, không có con mà số tiền trúng lại quá lớn!”.
Cô con gái khoảng 10 tuổi của chị M cũng nói rằng, trước đây, cháu và mấy đứa nhỏ trong ngõ còn hay qua nhà cụ chơi nhưng từ ngày cụ trúng số thì không qua nữa. “Bọn cháu chỉ đứng ngoài nhìn thôi, nếu đến gần mấy người bà con của cụ đuổi bọn cháu đi ngay”.
Có lẽ cũng như mẹ con chị M, hàng xóm quanh đây cũng trở nên ngại ngần hơn với những người cháu xa lạ của cụ Hết từ nơi khác đến sau khi cụ trúng số nên cũng ít qua nhà cụ chơi.
Phía UBND P.5, Q.11 cho biết, do cụ Hết không còn minh mẫn nên chính quyền địa phương và các đoàn thể đứng ra chứng kiến và lập biên bản số tiền mà cụ Hết đem cho cá nhân và tập thể. Số tiền còn lại hiện đang được gửi ngân hàng và ủy quyền cho một người cháu cụ Hết tên Liễu rút tiền lời hàng tháng để vợ chồng cụ Hết chi tiêu. Con cháu của cụ Hết cũng phản đối khi chính quyền có gợi ý thuê luật sư giúp cụ Hết viết di chúc.