[Cuộc thi viết bảo vệ môi trường Hà Nội 2020] Đi xe buýt để bảo vệ môi trường: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Nguyễn Văn Công (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối của các đô thị đang phát triển mạnh mẽ như Hà Nội. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng ồ ạt phương tiện giao thông cá nhân, vừa gây ách tắc giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường. Thực tiễn khách quan cho thấy, chỉ có đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó xe buýt là chủ lực thì mới có thể giải quyết 2 vấn đề cùng nguyên nhân này.

Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Phạm Hùng
Vẫn vì lợi ích trước mắt
Khoảng 3 năm trở lại đây, xe buýt Hà Nội có sự lột xác mạnh mẽ, từ số lượng và chất lượng dịch vụ có sự cải thiện vượt bậc. Nếu như trước đó, trong ý niệm của mỗi người dân, xe buýt là một điều gì đó ngột ngạt, mất thì giờ, dễ bị trộm cắp tài sản…. thì nay chuyển dần sang ý niệm sạch sẽ, nhanh, an toàn và văn minh.

Số lượng xe buýt tăng, nhiều tuyến được mở mới, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành, xe buýt Hà Nội hiện đã về đến nhiều xã. Người dân ngoại thành thêm kế sinh nhai mới như đi buôn bán, sáng đi tối về; sinh viên đỡ phải ở trọ chật chội, người già có thể tự đi khám bệnh, người làm công sở có thêm thời gian nghỉ ngơi trên xe buýt… Tuy vậy, đối với xe buýt nội đô mặc dù cả số lượng và chất lượng đều tăng nhưng tỷ lệ người dân nội thành sử dụng thường xuyên thấp hơn khu vực ngoại thành khá nhiều. Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi lẽ trong nội thành, đoạn đường di chuyển thường ngắn, thời gian để người dân di chuyển tiếp cận xe buýt và đợi xe thường bằng 1/2 đến 1/3 thời gian xe buýt di chuyển. Vì vậy, người dân vẫn ưu tiên xe máy cho nhanh và gọn. Ngoài ra, trong giờ cao điểm, xe buýt thường bị vây quanh trong cả "rừng" phương tiện khác, còn xe máy với đặc điểm nhỏ, cơ động dễ dàng luồn lách, đổi hướng mà người ta thường gọi là giao thông “lấp chỗ trống”. Nên một hiện tượng thường thấy là xe buýt rất vắng khách giờ cao điểm, tan tầm.

Thiển nghĩ, nếu như người dân chịu khó “hy sinh” một chút thời gian để đi xe buýt thì sẽ nhận lại chính bằng thời gian giảm tải ách tắc giao thông của cộng đồng. Đó là câu chuyện đánh đổi thời gian cá nhân lấy thời gian của tập thể. Nhưng hầu như, đa phần chúng ta vẫn còn đang “tham” thời gian riêng, đặc biệt vào những hôm mưa lượng ô tô cá nhân ra đường tăng mạnh, ách tắc giao thông không chỉ diễn ra cục bộ mà diễn ra thành dây chuyền, hệ thống. Theo tính toán, mỗi năm ách tắc giao thông tại Hà Nội làm hao phí khoảng 1 triệu giờ công lao động, giá trị khoảng 1 – 1,2 tỉ USD, 2 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới gây ra.

Hãy đi xe buýt và trồng cây xanh

Bảo vệ môi trường sống là vấn đề sẽ quyết định sự sống của con người hôm nay và trong tương lai chứ không phải kinh tế. Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 hồi tháng 4/2020, chúng ta có thể giảm nhu cầu cuộc sống về kinh tế để đổi lấy an toàn, bình yên. Chỉ số môi trường được cải thiện rõ ràng khi lượng xe cá nhân ít ra đường.

Theo nhiều thống kê, trên 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí là do phương tiện giao thông gây nên. Đặc biệt, đa phần ô tô, xe máy ở Việt Nam đều chưa được kiểm soát khí thải, có những phương tiện khi ra đường thải ra khói đen, khói trắng mù mịt mà không hề bị xử phạt. Một thực tế về sức khỏe rõ nét nhất là sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ và người già. Có những hôm, bầu không khí ở Hà Nội được người dân gọi là “thành phố mù sương”, dĩ nhiên không giống như Luân Đôn nước Anh mà ở đây chính là mù mịt bởi ô nhiễm môi trường.

Chưa bàn đến những giải pháp vĩ mô để bảo vệ môi trường không khí, mỗi người dân chỉ cần góp một hành động nhỏ như sử dụng xe buýt thay cho xe cá nhân là góp phần bớt đi một ống xả CO2 ra môi trường. Đồng thời giảm được ùn tắc khi mà chúng ta chưa giải được bài toán giãn dân ra các khu vực ngoại thành.

Bên cạnh đó, lá phổi xanh tự nhiên thanh lọc không khí không gì khác chính là tăng cường trồng cây xanh, mỗi cây xanh là một phế nang phổi lọc không khí trong lành cho con người sử dụng. Trong sự phát triển của đô thị, việc chứng kiến sự gia tăng dân số, phát triển xây dựng là không thể tránh khỏi, tuy vậy, điều đó không đi liền với gia tăng phương tiện giao thông, giảm đi cây xanh. Bằng chứng rằng, trên thế giới các đô thi hiện đại giao thông công cộng luôn chiếm vị trí trung tâm, xương sống, bên cạnh đó là đô thị xanh, đô thị không khói… đó là mô hình mà Hà Nội và các TP lớn ở Việt Nam cần hướng đến.

PGS.TS Trần Thị Thanh Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cư trú ở quận Hoàn Kiếm, làm việc địa bàn Cầu Giấy cho biết: Trong ý niệm của nhiều người, xe buýt là phương tiện dành cho người có thu nhập thấp, và khi có điều kiện về kinh tế, người ta cố gắng thoát ra khỏi cái ý niệm về sự nghèo, thu nhập thấp đó. Trong khi ở nhiều nước, người có thu nhập cao mới thường xuyên sử dụng xe buýt, phương tiện công cộng. “Tôi hàng ngày vẫn đi xe buýt số 26 đi làm, lợi ích lớn nhất chính là sự an toàn hơn khi đi xe máy. Ngoài ra, đi xe buýt góp phần thúc đẩy kinh tế công cộng, giảm thiểu tác hại đến môi trường, nâng cao chất lượng đời sống, điều này khó nhận biết, vì vậy cần phải tuyên truyền, giáo dục để người dân nghĩ tới cái lợi ích tổng thể, lâu dài khi lựa chọn xe buýt” - PGS.TS Trần Thị Thanh Thanh Tú chia sẻ.

Để không ngừng nâng cao dịch vụ xe buýt, thu hút khách sử dụng, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp khuyến khích mạnh mẽ, tạo tính đột phá. Những thử nghiệm như dùng vé điện tử, wifi miễn phí, bảng điện tử theo dõi xe bước đầu chưa thu được kết quả, vậy nên cần có nghiên cứu kỹ hơn ứng dụng trước khi thử nghiệm. Các cơ quan, công sở, DN có thể thành lập Quỹ đi xe buýt – miễn phí dán vé tháng cho nhân viên để tạo phong trào, khuyến khích nhân viên từ bỏ xe cá nhân, nghiên cứu thí điểm xe buýt miễn phí – không cần nhân viên bán vé; hạn chế việc quảng cáo, trao thưởng xe máy cho sinh viên, khách hàng, hình thành hệ thống xe buýt mini kết nối… sẽ tạo ra cú hích đáng kể. Và quan trọng nhất, hãy tin rằng đi xe buýt chính là một hành động thể hiện tình yêu với Hà Nội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và cho chính cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Bài dự thi xin gửi về: Ban Đô thị - báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội (điện thoại: 098.747.9898); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn; hoặc trên ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần