Chỉ còn chưa đây một tháng nữa là đến tết Nguyên Đán, thế nhưng đối với nhiều lao động tự do, tết sắp đến đối với họ là gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Họ mong tìm được việc, mong tích cóp để lo cái Tết cho gia đình.
Ế ẩm “chợ người” ngày cuối năm
Lạnh căm căm, ở khu vực trước chợ Phùng Khoang, Từ Liêm, hàng chục lao động nam, nữ với phương tiện xe đạp, thúng mủng, ngồi run rẩy chờ người đến thuê mướn.
Những người lao động nữ ngồi túm tụm trong cảnh "đói việc" tại khu vực gần cổng chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội).
Thời tiết buốt giá, ngồi co ro với nét mặt buồn thiu vì từ sáng sớm đến 11h trưa vẫn chưa có ai đến thuê, “Gần chục ngày nay, hai vợ chồng tôi cứ diễn điệp khúc sáng ra chợ lao động ở Phùng Khoang đón việc, đến tối không có việc lại rồng rắn nhau về phòng trọ” - Chị Phan Thị Hiền than thở.
Chị Hiền, 38 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định, cả 2 vợ chồng đều tha hương lên Hà Nội kiếm sống. Khuông mặt hốc hác, thâm lại vì lạnh, chị buồn bã: “Vợ chồng tôi cùng với nhiều lao động khác rời quê lên Hà Nội đã nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm, ngồi chơi, buôn chuyện với nhau thế này đây."
"Vào thời điểm nay các năm về trước, ngày nào chị cũng có vài “cuốc” dọn dẹp lau nhà. Từ năm ngoái đến nay thì ít hẳn, chẳng có việc. Những năm trước, người dân có thể bỏ ra 500 nghìn để thuê hai người về dọn nhà một ngày giờ đây kinh tế suy thoái, giá cả leo thang nên có sang sửa nhỏ hay dọn dẹp gì thì họ toàn làm lấy, cái gì vất lắm thì họ mới thuê” chị Hiền nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Thanh Hóa), do các “chợ” họp chủ yếu ở khu vực lòng đường, vỉa hè nên thường xuyên bị các lực lượng chức năng “dẹp”. “Nhiều lần khách đến gọi việc là các lực lượng chức năng lại xuất hiện dẹp chợ, thu dụng cụ, hỏi cả khách về việc đỗ xe sai quy định, thành ra nhiều khách cũng ái ngại, chả đến tìm nữa”.
Ngôi nhà dựng tạm bợ của những người lao động tự do ở Phùng Khoang.
Việc ít, thu nhập eo hẹp nhưng giá phòng trọ, tiền điện nước, ăn uống lại leo thang. Đêm xuống, chúng tôi đến thăm căn phòng chưa đầy 17m2 mà vợ chồng chị Hiền cùng người em trai chung sống ở khu vực vườn cây trong làng Phùng Khoang. Gọi là phòng thôi chứ nó chỉ được dựng ghép bởi các tấm tôn, tấm prô ximăng và vải bạt quấn quanh nên không thể xua tan nổi không khí lạnh lẽo, ẩm thấp trong căn phòng.
Chiếc phản ngủ của gia đình chị Hiền ngả vẹo về một bên, chiếu rách nát tả tơi. Bộ chén uống nước chỉ có 3 chiếc nhưng có 2 chiếc bị sứt miệng, mỗi cái một màu.
Tại khu xóm trọ của chị Hiền có tới 30 gia đình, đôi vợ chồng người lao động cùng chung sống từ các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu (Nam Định), Thanh Hóa, Thái Bình đến thuê trọ. Tất cả những người lao động ở đây đều sống trong điều kiện vật chất sơ sài, đời sống kham khổ.
Công việc của vợ chồng chị Hiền cũng như bao lao động tự do khác khi đi đón việc đều phụ thuộc vào người thuê mướn. Khi người đến thuê làm việc gì, lao động sẽ làm việc đó, nhưng chủ yếu là những công việc khó, đòi hỏi phải có sức khỏe như: phá nhà, đào móng, xây tường rào, đến việc dọn nhà, gấp phong bì dịp cuối năm, thậm chí là việc thông cống… Họ làm bất cứ việc gì để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Chị Hiền cho hay, với thâm niên 10 năm lao động tự do, có nhiều mối quan hệ thân thiết với các cai thầu xây dựng ở địa điểm đón việc, tuy nhiên chưa thời gian nào hai vợ chồng anh chị lại rơi vào hoàn cảnh thiếu việc làm như hiện nay.
Gần một tuần nay mà chị mới chỉ kiếm được có hơn 100 nghìn đồng tiền công. “Ba đứa con, đứa lớn học cấp III, 2 nhỏ đứa học cấp 2 và mẹ già đều trông chờ vào hai vợ chồng đi làm xa. Thế nhưng giờ việc ít, tiền kiếm không ra, cuộc sống của hai vợ chồng tôi những ngày ngóng việc không khác gì ngồi trên đống lửa”.
Thấp thỏm ngóng việc
Đa phần những người lao động rời quê lên thành phố tìm việc đều xuất thân từ nông dân và có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, mỗi lao động khi đi làm đều mang trên mình áp lực tiền bạc và nỗi lo cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Toàn (34 tuổi) quê Thái Thụy, Thái Bình rời quê lên thành phố gắn bó với nghề làm thuê đã gần chục năm. Với khoảng thời gian ấy, mỗi tháng anh phải kiếm tiền gửi về cho gia đình khoản tiền để lo cho 2 đứa con đang học tiểu học.
Năm 2009, ngành xây dựng phát triển mạnh, anh Toàn thường xuyên có việc làm nên tiền bạc lo cho hai con ăn học và lo trang trải ngày tết anh có thể cáng đáng nổi. Thế nhưng, kể từ năm 2011 trở lại đây, kinh tế khó khăn, công việc bấp bênh đã khiến anh không khỏi lo lắng.
“Tôi lên Hà Nội đã gần chục ngày mà vẫn chưa đón được việc làm. Giờ đứng đợi việc mà tâm trí tôi cứ thấp thỏm, lo lắng về việc làm và cái Tết cho cả gia đình đang đến gần”, anh Toàn tâm sự.
Theo anh Toàn, vợ chồng anh cùng 2 đứa con chỉ sống nhờ vào 4 sào ruộng, vụ rồi thu hoạch cũng kém, mà đất kém, không trồng được cây vụ đông nên thu hoạch xong vụ lúa là vợ tôi lại lên đây, chỉ mong làm sao kiếm thêm ít tiền lo học cho con, nhưng toàn ngồi không, nhìn nhau là chính đây, chán lắm. Do vậy, chỉ còn chưa đây một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng anh đã phải lo kiếm lấy ít nhiều để Tết về còn mua bộ quần áo mới cho con, trang trải trong những ngày Tết.
Cũng như anh Toàn, anh Nguyễn Văn Nam 38 tuổi, quê Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng ngồi đón việc cả tuần ở chợ Phùng Khoang mà vẫn chưa có việc làm.
Anh Nam cho biết, nhiều người lao động dậy từ 6h sáng ra địa điểm chờ việc, tuy nhiên phần lớn những người đón việc như anh đều rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp nhiều ngày. Không tìm được việc làm, ai cũng mang nặng tâm trạng thấm thỏm, lo lắng khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
“Dù làm nghề lao động tự do lâu rồi nhưng chưa đợt đi làm nào tôi lại bị thất nghiệp dài như thời gian này." - anh Nam thở dài.
Bất chấp cái rét căm căm, những người lao động tự do vẫn cố nán lại thêm từng ngày để mong có người đến 'mua' sức lao động của mình. Cũng như tất cả mọi người, họ cũng muốn sắm thêm cho gia đình trong ngày tết!