Cuối năm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth i- Những ngày cuối năm, khi người người, nhà nhà tất bật lo đón Tết thì tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2), mọi công việc vẫn diễn ra bình thường.

Chỉ có điều Tết năm nay ở BV áp lực, đặc biệt hơn khi vẫn còn những bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, rồi nỗi lo về chủng mới của virus SARS-COV-2. Thế nhưng, BV đã sẵn sàng mọi phương án, kịch bản ứng phó để bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Không còn cảm giác lo sợ, hồi hộp

Bước chân vào BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư những ngày cuối năm, chúng tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác không còn cảm giác lo sợ hay hồi hộp như trước. Bởi lẽ, một năm ròng rã chiến đấu với dịch Covid-19, tất cả những người nơi đây đã hiểu rõ tình hình dịch bệnh và luôn trong tâm thế sẵn sàng phòng, chống dịch. Tuy không còn cảnh bệnh nhân ra vào tấp nập, không còn những bước chân vội vã, dồn dập, những nét mặt căng thẳng, âu lo của các y bác sĩ nhưng các chuyến xe chở thuốc, vật tư y tế… vẫn đi vào BV, chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày giáp Tết.
  Bác sĩ Vũ Minh Đức-Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư ân cần thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại BV.
Từ bên ngoài cổng viện vào Khoa Nội tổng hợp chỉ thêm mấy bậc cầu thang thế nhưng khi bước chân vào khoa, chúng tôi có cảm giác khựng lại bởi không khí yên ắng nơi đây. Hỏi ra chúng tôi mới biết đây là nơi điều trị cho 33 bệnh nhân Covid-19. Nghe những câu chuyện xúc động của các nữ điều dưỡng viên tại Khoa Nội tổng hợp khi họ giấu chồng con là mình đang làm việc tại nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi thấy cảm phục vô cùng…

Trong trang phục bộ đồ bảo hộ kín như bưng, chúng tôi lặng lẽ bước vào phòng 703, gặp gỡ, trò chuyện cùng những bệnh nhân Covid-19, là những công dân nhập cảnh từ Ba Lan, Nga, Mỹ về nước ăn Tết. Tuy sinh ra và lớn lên ở TP Nha Trang, Khánh Hòa nhưng ông Nguyễn Văn Nhiều (66 tuổi) lại có 40 năm làm việc tại Mỹ. Giờ đây, khi về hưu, ông muốn về chính nơi mình sinh ra để an hưởng tuổi già, dù vợ và con cháu ở bên Mỹ. “Trước khi về nước, tôi xác định sẽ bị cách ly nhưng không nghĩ mình lại có kết quả dương tính. Ở BV những ngày giáp Tết thật sốt ruột. Tuy đã được xét nghiệm 2 lần âm tính nhưng tôi vẫn phải thực hiện nghiêm những quy định của BV, tuân thủ cách ly và sự hướng dẫn của các y bác sĩ” - ông Nhiều chia sẻ.

Trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, bác sĩ Vũ Minh Đức, Khoa Nội tổng hợp ân cần thăm hỏi sức khỏe từng bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại đây. Vị bác sĩ trẻ cũng không quên giải thích cặn kẽ, nhẹ nhàng để bệnh nhân hiểu về tình hình sức khỏe của họ. Có lẽ không thể kể hết khó khăn, vất vả mà các y bác sĩ nơi đây đã nỗ lực trải qua trong những ngày chiến đấu với giặc Covid-19. Suốt một năm qua, bác sĩ Đức cùng các bác sĩ trong Khoa Nội tổng hợp luôn phải làm việc với cường độ cao, căng như dây đàn. Họ phải thay phiên nhau vừa trực vừa tiếp đón, vừa thăm khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

“Chúng tôi thường làm việc theo ca. Cứ mỗi người có 3 tuần ở BV, 2 tuần cách ly và 1 tuần được về nhà. Thậm chí, có những đợt, tôi ở BV lâu hơn, bố mẹ sốt ruột than vãn “thế này bao giờ mới lấy được vợ? Tôi tự nhủ con đường mình đã chọn thì sẵn sàng cống hiến, hy sinh” - bác sĩ Đức tâm sự.

Sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống

Rời Khoa Nội tổng hợp, chúng tôi sang Khoa Hồi sức tích cực, nơi đang điều trị cho 25 bệnh nhân. Nơi đây, các bác sĩ cũng như bệnh nhân đang chạy đua với thời gian kèm theo đó là tiếng máy thở đôi khi chỉ nghe thôi cũng thấy nhói lòng. Vừa chỉ tay lên màn hình theo dõi, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực vừa nói: "Bác sĩ Khoa Hồi sức vất vả lắm! Các ca cấp cứu, hồi sức cứ ra vào liên tục". Nhất là những ngày giáp Tết, công việc của bác sĩ tại khoa bận rộn, vất vả hơn bởi luồng bệnh nhân ở các tỉnh chuyển về nhiều. Vào dịp Tết, khoa lúc nào cũng kín bệnh nhân, cao điểm nhất có 27 bệnh nhân. Trong khi, khoa chỉ có 4 bác sĩ điều trị chính, 2 bác sĩ học việc. Vất vả nhất là 4 nhân viên điều dưỡng đợt này phải chăm sóc toàn diện cho 25 bệnh nhân từ việc ăn, uống, đến tắm rửa, vệ sinh…

Thời gian này, khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng, công tác điều trị của các bác sĩ tại khoa đỡ vất vả hơn khi không phải mang theo những bộ đồ bảo hộ. “Với bác sĩ, chuyện trực dịch Covid-19 hay trực Tết là chuyện rất bình thường. Nên chúng tôi lúc nào cũng trong tinh thần sẵn sàng. Trong trường hợp có bệnh nhân Covid-19 nặng, khoa sẵn sàng giải tán để nhận và điều trị bệnh nhân”- bác sĩ Phúc chia sẻ.

Theo nhận định của bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lãnh đạo BV cũng như Ban phòng chống dịch của BV xác định không lơ là, chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng kịch bản kể cả khi có biến chủng mới của SARS-CoV-2. BV cũng áp dụng triệt để kịch bản của Ban phòng chống dịch với những tình huống xảy ra rất rõ ràng, với 10, 20, thậm chí 100 bệnh nhân thì BV sẽ có phương án xử lý. Trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra là lượng bệnh nhân quá lớn, chúng tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các BV xung quanh” - bác sĩ Hùng cho hay.

Cũng theo bác sĩ Hùng, về việc bố trí, sắp xếp nhân lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, BV đã có những kịch bản rất rõ ràng để những người tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân được cách ly hoàn toàn ở BV. Sau hơn 1 tháng, một nhóm bác sĩ khác sẽ vào thay thế. Còn việc phân công lịch trực cho các bác sĩ ở 2 cơ sở, BV cũng sắp xếp các ca trực ở những vị trí trực khác nhau như phòng khám, khoa, tầng… Ngoài ra, BV cũng có lịch trực cho các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân cũng như tổ xe trong trường hợp cần chuyển bệnh nhân.

"Hàng năm, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư luôn rà soát, xây dựng chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản phòng chống dịch đáp ứng theo từng cấp độ. Nên dù dịp Tết hay bất kỳ dịp nào, BV cũng không cần có phương án riêng, kể cả khi có biến chủng mới của SARS-CoV-2." - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp


"Có những vị trí trực rất nhạy cảm và khó khăn đó là những y bác sĩ Khoa Cấp cứu. Với bất kỳ BV nào, thường ở Khoa Cấp cứu bao giờ cũng có nhiều áp lực hơn so với những khoa khác. Vì thế, Khoa Cấp cứu luôn có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng ca trực, ngày trực để đáp ứng tốt trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Năm nay, các bác sĩ Khoa Cấp cứu trực Tết với tinh thần là luôn sẵn sàng có mặt trong mọi tình huống." - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư Thân Mạnh Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần