Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cướp biển Somalia phát hành cổ phiếu hút tiền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cướp biển là một nghề thu nhiều lợi nhuận và nó đã thu hút nhiều nhà tài phiệt từ cộng đồng Do Thái ở Somali và các quốc gia khác.

KTĐT - Cướp biển là một nghề thu nhiều lợi nhuận và nó đã thu hút nhiều nhà tài phiệt từ cộng đồng Do Thái ở Somali và các quốc gia khác.

Tại hang ổ chính của cướp biển ở Haradheere, các băng hải tặc đã lập một "hợp tác xã" để tài trợ cho các hoạt động cướp bóc ở ngoài khơi, một dạng sàn giao dịch của các nghiệp đoàn tội phạm.

Những tên cướp biển được vũ trang tận răng tại Somalia - quốc gia không luật pháp ở Sừng châu Phi này, đã khủng bố các tuyến đường thủy ở Ấn Độ Dương và Vịnh Aden - vốn nối châu Âu và châu Á qua Biển Đỏ.

Các băng nhóm cướp biển đã thu được hàng chục triệu USD từ bắt cóc tống tiền và việc hải quân nước ngoài triển khai tại những khu vực trên dường như chỉ lái những tên cướp ra những mục tiêu xa bờ hơn.

Cướp biển là một nghề thu nhiều lợi nhuận và nó đã thu hút nhiều nhà tài phiệt từ cộng đồng Do Thái ở Somali và các quốc gia khác. Tới giờ, các băng nhóm ở Haradheere đã thiết lập một sàn giao dịch để quản lý các khoản đầu tư của mình.

Một cựu hải tặc giàu có tên là Mohammed đã đưa phóng viên của hãng tin Reuters đi thăm sàn giao dịch này. Mohammed cho biết, cơ sở này đã chứng tỏ nó là một hướng đi quan trọng để cướp biển giành được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương cho các hoạt động của mình.

"Bốn tháng trước đây, chúng tôi quyết định lập sàn giao dịch chứng khoán. Chúng tôi bắt đầu với 15 công ty hàng hải và hiện giờ là 72. Mười công ty trong số này đã rất thành công trong các vụ cướp", Mohammed nói. "Việc đóng góp là công khai và bất cứ ai cũng có thể tham gia, bằng cách cấp tiền mặt, vũ khí hoặc vật liệu hữu dụng...chúng tôi biến cướp biển thành một hoạt động cộng đồng".

Haradheere, cách Mogadishu 400 km về phía đông bắc, từng là một làng chài nhỏ. Hiện giờ, nó đã trở thành một thành phố nhộn nhịp nơi nhiều xe hơi 4 chỗ đắt tiền do cướp biển hoặc những người cấp tiền cho bọn hải tặc sở hữu đi lại và gây tắc đường dọc theo những con phố nhiều bụi.

Chính phủ của Tổng thống Sheikh Sharif Ahmed, được phương Tây hậu thuẫn, chỉ có thể kiểm soát một phần rất nhỏ của đất nước - vài con đường trong thành phố. Họ cũng không có chút ảnh hưởng nào tại Haradheere, nơi quan chức địa phương được bọn cướp biển hối lộ.

"Việc kinh doanh liên quan tới cướp biển đã trở thành hoạt động kinh tế đem lại lợi nhuận chính tại khu vực của chúng tôi và người dân địa phương phụ thuộc vào các vụ cướp" Mohamed Adam, quan chức an ninh Haradheer nói. "Quận thu phần trăm từ số tiền chuộc các tàu bị bắt cóc và khoản này chạy vào cơ sở hạ tầng công, gồm cả bệnh viện và trường học".

"Sàn giao dịch chứng khoán" Haradheere mở cửa 24h một ngày và trở thành một điểm rất nhộn nhịp của thành phố. Nhà đầu tư, các bà vợ, những người mẹ vẫn còn thổn thức thường tìm tới đây để tìm hiểu thông tin về con trai, chồng bị mất tích khi làm nghề.

Mohammed cho biết, mỗi tuần đều có những tên cướp biển lẫn thiết bị mất tích ngoài biển. Tuy nhiên, những đồng đảng của họ không chùn bước. "Tiền chuộc đã tăng trong vài tháng gần đây, từ 2-3 triệu lên tới 4 triệu vì nguy hiểm lẫn cổ đông đều tăng lên. Cứ để hải quân chống cướp biển các nước tiếp tục tìm kiếm chúng tôi. Chúng tôi không lo lắng vì phương châm nghề của chúng tôi là Làm hay là Chết".

Nhà đầu tư vào hoạt động cướp biển Sahra Ibrahim, 22 tuổi, đã ly di, đang xếp hàng chờ lĩnh phần sau khi một tàu đánh cá Tây Ban Nha vừa trả tiền chuộc để tự do, cho biết: "Tôi đợi lấy tiền sau khi đã đóng góp một chiếc súng phóng lựu cho hoạt động của họ. Tôi thật sự hạnh phúc và may mắn. Tôi kiếm được 75.000 USD chỉ sau 38 ngày gia nhập công ty". Sahra cho biết thêm, cô lấy vũ khí của người chồng cũ, vốn được để lại như một khoản tiền cấp dưỡng sau ly hôn.