Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu cụ Rùa hồ Gươm: Không thể chần chừ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian gần đây, hình ảnh cụ Rùa hồ Gươm liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi thì là hình ảnh cụ với những vết thương chằng chịt trên mai,

KTĐT - Thời gian gần đây, hình ảnh cụ Rùa hồ Gươm liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi thì là hình ảnh cụ với những vết thương chằng chịt trên mai, lúc lại là hình ảnh cả mảng lưng lở loét, rồi hình ảnh mấy con rùa tai đỏ nhởn nhơ dạo chơi trên mai cụ… Những hình ảnh này đã khiến nhiều người phải giật mình.

 Tổng kiểm tra đáy hồ…

Theo PGS.TS Hà Đình Đức thì từ năm 2004 đến nay, ông đã cùng nhiều nhà nghiên cứu, tiến hành đo đạc tại 5 điểm dọc đảo Ngọc tới gò Rùa. Vào mùa khô lượng nước trung bình đo được chỉ từ 0,7 đến 0,9m, cá biệt có nơi chỉ 0,5m.

Vào tháng 11-2009, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định tiến hành thử nghiệm công nghệ hút bùn, ép tách nước và ép bùn khô tại hồ Hoàn Kiếm. Quá trình thử nghiệm đã cho kết quả hết sức khả quan, không hề làm thay đổi môi trường nước, 1.000m3 bùn đã được hút    lên. Chất lượng nước tại khu vực này đã được cải thiện đáng kể chỗ sâu nhất đo được 1,3m, còn lại trung bình khoảng 1,1m nước.

Khả quan là thế, song đáng tiếc dự án chỉ dừng ở mức thử nghiệm, vẫn chưa rõ có được tiếp tục triển khai nữa hay không. Cũng theo PGS Hà Đình Đức, thì mực nước hồ Gươm phải đạt mức 1,5m mới tạm yên tâm. Mực nước cạn hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng sống của các sinh vật trong hồ, trong đó có loài rùa huyền thoại của hồ Gươm.

Một trong những biện pháp cần thiết được đưa ra nhằm cải thiện sức khỏe cho cụ Rùa, tránh được những nguy cơ xấu tiềm ẩn, theo đề xuất của PGS Hà Đình Đức, là cần phải có một cuộc tổng kiểm tra   đáy hồ, các đường cáp ngầm cũng như đường nước thải của các công trình ven hồ Gươm…

Chữa bệnh cho cụ Rùa, cách nào?

Việc cụ Rùa bị thương tích đầy mình thì đã rõ mười mươi. Nhưng chữa bệnh cho cụ bằng cách nào mới là điều nan giải. PGS.TS Hà Đình Đức sốt sắng, cần phải đưa cụ lên, xử lý vết thương. 

Nhưng cách làm duy nhất tính đến lúc này vẫn chỉ là rắc kháng sinh    vào những chỗ lở loét trên mai. Khi được hỏi có nên sử dụng thuốc gây mê, di chuyển cụ đến một trung tâm cứu hộ đầy đủ điều kiện chăm sóc, tổng kiểm tra sức khỏe cho cụ không thì vị giáo sư này tỏ ra thận trọng và ông cho rằng, việc làm đó là cực kỳ nguy hiểm.

Trong thời gian gần đây, tần suất rùa nổi nhiều một cách bất thường. Cụ thể là năm 2008, tổng số lần cụ dạo chơi trên mặt hồ chỉ có 55 lần, đến năm 2009 là 62 lần  và năm 2010 là 134 lần. Từ đầu năm 2011 đến nay, cụ đã lên tới 5 lần.

Theo lý thuyết, rùa là loài bò sát, động vật máu lạnh, những lần rùa nổi thường liên quan đến sự thay đổi thời tiết. Nhưng dù thời tiết Hà Nội có đỏng đảnh đến đâu, thì một tháng cũng không thể thay đổi tới 23 lần (tháng 12-2010 cụ nổi tới 23 lần). Nếu điểm lại số lần rùa nổi trong khoảng 10 năm trở lại đây, rõ ràng đây là những bất thường theo chiều hướng xấu.

Không phải bây giờ, khi sức khỏe cụ Rùa có dấu hiệu giảm sút người ta mới nghĩ tới chuyện đi tìm con cháu nối dõi cho cụ, mà cách đây cả chục năm trước, nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là PGS Hà Đình Đức đã đề xuất việc bảo tồn nguồn gen rùa quý.

Đã có nhiều dự án nghiên cứu được triển khai, nhưng đều là những dự án của các cá nhân tiến hành, chứ chưa từng có một cơ quan quản lý nào hỗ trợ. Mỗi công trình nghiên cứu vì những lý do này kia, đã cho những kết quả không giống nhau, thậm chí gây nhiều tranh cãi và không được sự đồng thuận của các nhà khoa học.

Đã có ý kiến đề xuất, nhân bản cụ Rùa hồ Gươm bằng phương pháp nhân bản vô tính. Nhưng theo PGS Hà Đình Đức, cách này không khả thi, sinh vật sinh ra không có khả năng miễn dịch. Hơn nữa, hiện mới chỉ nhân bản được cá và thú, rùa thì trên thế giới chưa ai nghiên cứu cả. Mà nếu có nhân bản thành công, thì một cá thể rùa khi sinh ra chỉ dài chừng 5cm và phải mất 700 năm nữa (nếu sống được) thì mới có hình dạng như cụ Rùa hôm nay. Cách làm này vừa tốn kém, vừa chưa khả thi.