Cứu doanh nghiệp, cần thêm “thuốc bổ”, bớt đi gánh nặng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bão” Covid-19 đã khiến hàng trăm nghìn DN gục ngã, kiệt quệ và phá sản. Trong bối cảnh này, ngoài các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế, phí như hiện tại, DN cần những hỗ trợ tích cực hơn như bảo hiểm xã hội, lãi suất tiền vay và các điều kiện để DN tiếp cận được các gói hỗ trợ, cùng với đó là sự ổn định chính sách, không tăng thuế hoặc thêm sắc thuế mới trong dài hạn.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Doanh nghiệp chật vật

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2021 khiến hơn 800.000 DN ảnh hưởng. Đặc biệt, với 94% là các DN quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh thấp chịu thiệt hại rất nặng nề. Cụ thể, 81% không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 72% gặp khó khăn trong việc trả tiền lương, đóng báo hiểm cho người lao động; 53% gặp khó trả lãi ngân hàng, nặng gành chi phí điện nước, lưu khó, bến bãi…

Số lượng DN thành lập mới giảm, hơn 100.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,3% và số DN tạm ngừng kinh doanh là 46.592 DN, tăng tới 62,2% so với năm 2019.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12.2020, cả nước 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 gồm người bị mất việc làm, phải giãn/nghỉ việc… Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm và 14% buộc phải tạm nghỉ việc.

Khó khăn bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, thiệt hại nặng nhất là nhóm du lịch, nhà hàng và khách sạn.

Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam, hiện có đến 90% DN không hoạt động, 10% đang cầm chừng. Các vệ tinh gồm DN nhỏ, siêu nhỏ làm đại lý vé, dịch vụ tour phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc; các DN lữ hành quốc tế cho nghỉ việc 60-90% nhân sự.

Ông Hà Huy Phong- Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, thị trường khó khăn trong thời gian dài sẽ làm đứt gãy các mối quan hệ và mạng lưới cộng tác, liên kết kinh doanh. Nói cách khác, chuỗi cung ứng và hệ sinh thái của hầu hết các doanh nghiệp đều bị phá vỡ nên DN sẽ phải bắt tay làm lại từ đầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, do phải cắt giảm nhân sự nên lực lượng lao động cũng có sự xáo trộn và thay đổi, dẫn tới doanh nghiệp phải cơ cấu lại các bộ phận sản xuất, kinh doanh theo một cách méo mó để đối phó với hoàn cảnh. Trong lần bùng phát thứ tư này, nhiều DN đã thực sự kiệt quệ bởi các nguồn lực dự phòng đã trang trải hết cho các đợt bùng phát dịch trước đó.

Chỉ giảm phí, lệ phí- chưa đủ

Mới đây, ngày 25/6, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn giảm 30 loại phí, lệ phí. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, sẽ giảm 30 loại phí và lệ phí. Trong số này, có nhiều mức giảm mà cơ quan ban hành đánh giá là khá cao như: giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không....

“Thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số giảm thu từ phí, lệ phí 6 tháng ước khoảng 1.000 tỉ đồng”- Bộ này tính toán.

Quyết định này được ban hành sau một thời gian dài người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã kiến nghị, lên tiếng. Con số 1.000 tỉ đồng cho 30 loại thuế, phí để tiết giảm chi phí, khôi phục sản xuất kinh doanh rất cần thiết nhưng đáng tiếc nó chưa đủ để vực dậy cộng đồng DN đang vật lộn trong sóng gió, nguy cơ phá sản hiện hữu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Về phía các Hiệp hội đại diện cho tiếng nói cộng đồng DN, đang tha thiết đề nghị Chính phủ cần có thêm các gói hỗ trợ chính sách thuế mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, giảm 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021; giảm thuế trước bạ ô tô…

Bên cạnh đó, cho phép DN được giãn đóng kinh phí công đoàn 2% hoặc giảm 50% mức phí nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn vốn, doanh thu bị hạn chế.

“Tôi có tiếp xúc với một số doanh nghiệp thì thấy các vấn đề về tiền bảo hiểm xã hội, lãi suất tiền vay đang là những gánh nặng lớn nhất của họ hiện nay. Mặc dù có những chương trình truyền thông mạnh mẽ về việc giảm lãi suất cho vay, nhưng cốt lõi là các hành động thiết thực như cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giãm lãi vay… thì ít có ngân hàng nào thực hiện nên doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng khó khăn. Cần khoanh nợ cho DN và ngân hàng nên có các hành động thực tâm hơn với DN”- cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong cho biết.

Cần các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn

Trước đó, từ đầu năm 2020 đến hết 5 tháng 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ. Trong đó, đặc biệt liên quan đến chính sách thuế, phí Quốc hội ban hành 4 nghị quyết bao gồm: miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng; tăng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, đáng chú ý có Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm thuế suất thuế nhập khẩu nhiều nhóm hàng nông nghiệp, cơ khí hỗ trợ, ô tô; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 đối với các đối tượng phải ngừng kinh doanh từ 15 ngày trở lên.

Đánh giá về các gói hỗ trợ thuế, phí trên, PGS TS. Ngô Trí Long cho biết, phần nào đã giúp DN giảm bớt được khó khăn, nhất là các chính sách giảm thuế, giảm phí trực tiếp.

Một số chính sách hỗ trợ thuế, phí chỉ hỗ trợ trong năm 2020, hiện đã hết hạn. Vì thế, ông Long kiến nghị, cần phải tiếp tục kéo dài toàn bộ các chính sách ưu đãi thuế này, không tăng thuế hoặc thêm sắc thuế mới vì DN hiện đang khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, để từng bước giúp DN khôi phục sản xuất, kinh doanh các chính sách hỗ trợ cần phải thiết thực, không nên ràng buộc quá nhiều điều kiện không phù hợp với thực tế, quá khắt khe. Đơn cử việc hỗ trợ cho DN vay vốn trả lương nhưng lại yêu cầu phải có trên 50% lao động mất việc làm, lao động nghỉ việc 1 tháng… Hoặc việc giảm thuế phải kèm theo doanh thu không quá 200 tỉ đồng. “Tình hình hiện nay theo tôi đang rất nguy kịch rồi, nếu không sớm kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, bổ sung thêm nhiều gói mới đủ mạnh thì DN sẽ khó có thể vực dậy dược”, PGS TS. Ngô Trí Long đánh giá.
“Thực tế, các chính sách hỗ trợ thuế, phí hiện tại vẫn chưa đủ. DN khó khăn giảm chi phí, thủ tục mới quan trọng còn giảm thuế thì họ có lãi đâu mà nộp. Nên tiếp tục duy trì việc hỗ trợ các chính sách thuế như trong năm 2020, đặc biệt cần tránh tăng hoặc ban hành thêm sắc thuế mới trong thời gian tới; cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh”

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Cá nhân tôi thấy rằng, cần tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ DN. Có rất nhiều DN mong chờ vào sự thiện chí của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản nợ, treo lãi, giảm lãi nhưng không có kết quả. Sự thật như vậy sẽ để lại vết thương rất lớn và khó lành trong tương lai bởi doanh nghiệp bị mất niềm tin vào thị trường vốn và các định chế tài chính. Đó là khó khăn sẽ còn rất lâu dài mới khắc phục được.

Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong