Cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung: Làm thiện nguyện cần “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”

Nguyễn Thanh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, rất nhiều nhóm thiện nguyện trên cả nước đang hướng về miền rung ruột thịt với mong muốn được sẻ chia khó khăn, giúp đồng bào vùng lũ khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, việc hỗ trợ ra sao để vừa hiệu quả, lại bảo đảm an toàn là vấn đề đặt ra. Kinh tế & Đô thị chia sẻ góc nhìn của bạn đọc Nguyễn Thanh Huyền (ở Hà Nội).

 Cả nước đang hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung. Ảnh: Vietnam+.
Mình viết bài này vì hai hôm nay có cơ hội tiếp xúc và trao đổi rất nhiều với các nhóm làm thiện nguyện vì miền Trung thân yêu. Là một người đã từng ở trong vũng lũ, cá nhân mình cho rằng, hiện tại tình hình ngập lụt còn nhiều phức tạp, rất nguy hiểm. Nếu ai có ý định đi cứu trợ thì phải tính toán phương án đảm bảo an toàn cho đoàn mình trước. Tức là phải có trang bị cứu hộ, áo phao và tốt nhất là nên có người địa phương thông thạo địa hình dẫn đường.
Hơn nữa, vì cứu trợ lũ lụt là hoạt động cấp bách nên các đoàn cũng cần tính phương án thực hiện hết sức khẩn trương. Họ chọn lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, vừa phát quà vừa hỗ trợ cứu hộ hoặc ít nhất cũng không làm phiền lực lượng tại chỗ phải cứu ngược lại đoàn. Vì hiện tại đội cứu hộ địa phương đang rất bận rộn với công tác cứu trợ theo nhiệm vụ của địa phương.
Thực tế, các đoàn thiện nguyện cần tính đến kế hoạch cứu trợ dài hơi, chứ không phải cứ lên đường ầm ầm như hiện nay vì như vậy sẽ không hiệu quả. Qua kinh nghiệm cá nhận, có thể chia diễn biến lũ lụt tác động lên người dân thành 3 giai đoạn. 
Giai đoạn 1 là giai đoạn khẩn cấp, nước đang ngập mênh mông, người dân còn mắc kẹt ở những vùng trũng thấp. Ưu tiên quan trọng của giai đoạn này là giải cứu người và cấp đồ ăn. Giai đoạn này cần lượng lớn đồ ăn liền, áo phao, áo mưa, đèn pin. Gạo mắm muối cũng cần nhưng ít hơn vì giờ chỗ đâu mà nấu, nhà đâu mà cất phần.
Cũng bởi vậy mà chở nhiều gạo, dầu ăn, mắm muối, áo quần đến cứu trợ lúc này không hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu hộ. Các đoàn cứ chở lũ lượt ra đó rồi không phát được, rồi mưa thấm vào bị hư, bị mốc; xót của, xót công. 
Giai đoạn 2 là giai đoạn nước rút. Khi nước rút xong thì sẽ thế nào? Bốn bề là bùn đất, đổ nát, rác và dịch bệnh. Lúc này sẽ thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu đồ dùng, thiếu thuốc men, thiếu rất nhiều thứ để làm lại cuộc sống. Lúc này lại cần một lực lượng lớn nhân lực hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục hậu quả.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu cần lượng lớn quần áo, chăn màn, nồi niêu xoong chảo, bếp nấu, gạo, mắm muối để ai về nhà nấy thổi cơm riêng nè. Lúc này các đoàn muốn đi bao nhiêu lượt cũng được. Các bạn nữ đi đông cũng tốt vì phụ nữ rất giỏi trong việc động viên tinh thần, an ủi khích lệ. 
giai đoạn 3 là trở lại cuộc sống bình thường. Lúc này mới tính tới phương án trẻ con đi học, ba mẹ đi làm; mới cần tới sách vở, cần con giống trâu, bò, lợn, gà. Và cần nhất là tiền mặt. Những động viên hỗ trợ sẽ giúp bà con vùng lũ có thêm nguồn động viên và nguồn lực để tái thiết sản xuất, ổn định đời sống.