Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã có 59 tỉnh, thành phố có quy hoạch vùng tỉnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Xây dựng cho biết cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố có quy hoạch vùng tỉnh. Tất cả các đô thị từ loại 4 (thị xã) trở lên đều đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt; số đô thị có quy hoạch chung được phê duyệt chiếm khoảng 93%.

KTĐT - Bộ Xây dựng cho biết cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố có quy hoạch vùng tỉnh. Tất cả các đô thị từ loại 4 (thị xã) trở lên đều đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt; số đô thị có quy hoạch chung được phê duyệt chiếm khoảng 93%.

Công tác lập quy hoạch chi tiết tại các đô thị được triển khai tương đối rộng khắp với tỷ lệ phủ kín đạt khoảng 45%.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng hiện đã cơ bản phủ kín, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, góp phần giúp hoạt động quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch từng bước đi vào nề nếp.

Việc lập quy hoạch xây dựng các đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là tại các thành phố lớn - trung tâm tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong đó có đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã trở thành trọng tâm của lĩnh vực này.

Điển hình là việc lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã tập trung triển khai gấp rút, hoàn thành về cơ bản để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Vụ chức năng hướng dẫn thực hiện, tổ chức thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế, vùng liên tỉnh, dọc tuyến đường cao tốc...

Năm 2010, Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Các Nghị định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị cũng được xây dựng để kịp thời hướng dẫn Luật.

Giai đoạn này, nội dung, phương pháp lập quy hoạch xây dựng cũng từng bước được đổi mới. Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý.

Đặc biệt, nhận thức và tầm nhìn về quy hoạch xây dựng có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều tỉnh, thành phố đã đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng của địa phương.