Tại ví trí số nhà 96 và 94 Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng) là hộ của ông Nguyễn Quang Phước, và hộ ông Nguyễn Đình Lào bị giải tỏa, nhưng vì diện tích còn lại của 2 hộ trên không đảm bảo theo tiêu chuẩn về quy định của Sở Xây dựng.
Nhiều rẻo đất trống, nhà cửa đập phá nham nhở 2 bên đường sau khi giải tỏa, trở thành nơi đổ rác |
Vì vậy nên Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu đã đối thoại với 2 hộ và họ đồng ý xin giải tỏa đi hẳn để nhận các quyền lợi của hộ giải tỏa. Nhưng vừa qua, có hộ còn đến xây dựng trái phép và bị chính quyền địa phương xử lý, buộc tháo dỡ. Những rẻo đất nhỏ này lâu nay đã trở thành bãi tập kết rác thải, vương vãi nhiều kim tiêm của các đối tượng nghiện ma túy vứt lại gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị, khiến những người nhìn thấy không khỏi hãi hùng. Theo ông Hồ Văn Quý sống ở số nhà 98 Tôn Đức Thắng sát bên rẻo đất này: "Ngày nào tôi cũng ra thu lượm rác và lượm kim tiêm ma túy kẻo sợ mấy đứa nhỏ hiếu động vào chơi xảy ra tai họa, mà vẫn còn nhiều kim tiêm vậy đó. Hàng ngày, con nghiện thì tụ tập chạy vào tiêm chích xong rồi vứt đó và chạy ra, nên chẳng biết rõ là ai và cũng chẳng có ai dám ra mặt cả". Đại diện UBND phường Hòa Minh cho biết, các rẻo đất thừa ở cạnh cầu vượt Ngã ba Huế bị đổ rác thải và trở thành tụ điểm tiêm chích ma túy của các đối tượng nghiện là thực trạng bức xúc. Nhưng các rẻo đất này đã được phường và quận vận động người dân giải tỏa, bàn giao cho đơn vị điều hành dự án Nút giao thông khác mức (cầu vượt) Ngã ba Huế. Vì thế, việc bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự thuộc trách nhiệm của đơn vị điều hành dự án.
Cầu vượt Ngã ba Huế |
Tuy vậy, trong thời gian qua, phường đã chỉ đạo cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận khu dân cư và tổ dân phố vận động nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường, tập kết rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các rẻo đất thừa đó phải giao cho các cá nhân quản lý, sử dụng. UBND phường Hòa Minh sẽ ban hành văn bản kiến nghị UBND quận Liên Chiểu và các ngành chức năng của thành phố sớm giải quyết việc bán mua, nhập thửa đất và quản lý các rẻo đất này. Theo quy định hạn mức đất ở và diện tích tối thiểu tách thửa đất của UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành trong quy định quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố: các phường thuộc quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu phải có diện tích đất ở tối thiểu 70,0m2 và chiều rộng cạnh thửa đất tối thiểu là 4,0m mới được áp dụng tách thửa đất. Vì vậy, hai rẻo đất có hai cạnh bên dài 1m và 2,5m, trải dài theo đường Tôn Đức Thắng có diện tích nhỏ (40 m2) nên chỉ phù hợp với làm công viên, vườn dạo hoặc hợp thửa với thửa hộ kế cận. Cho nên, để bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, ông Quý ở hộ kế bên tỏ ý muốn mua lại rẻo đất này và đã nộp đơn trình UBND TP Đà Nẵng nhưng chưa thấy giải quyết. Ông Huỳnh Thanh Hải - Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cũng thừa nhận thực trạng bức xúc nói trên đối với các rẻo đất thừa sau giải tỏa để thi công cầu vượt Ngã ba Huế. "Phường cũng đã vận động nhân dân dọn vệ sinh môi trường mấy lần tại các rẻo đất thừa này thông qua phong trào Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, nhưng người ta cứ vứt trộm rác và kim tiêm bừa bãi vào đó. Phường sẽ tiếp tục chỉ đạo ra quân dọn vệ sinh môi trường ở chỗ này, cắm bảng cấm đổ rác thải. Đồng thời, phường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của thành phố và quận nhằm quản lý, sử dụng những rẻo đất này cùng các lô đất trống ở kế bên vào mục đích nào đó sao cho phù hợp chứ cứ để trống thì tiếp tục trở thành tụ điểm mất vệ sinh môi trường, an ninh trật tự", ông Hải cho biết.