Đặc xá chỉ nên áp dụng cho người thực sự xứng đáng

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại hội trường, thảo luận về Luật Đặc xá (sửa đổi). Nên nới lỏng hay siết chặt quy định về đặc xá, tha tù trước thời hạn, có nên quy định người được đề nghị đặc xá phải chấp hành bổ sung hình phạt tiền... là những vấn đề các ĐB quan tâm.

  Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn nên quy định chỉ đặc xá vào năm chẵn bởi nếu áp dụng rộng quá sẽ làm mất ý nghĩa. Bên cạnh đó, chỉ nên áp dụng đặc xá với những đối tượng nhất định và không nên quy định đặc xá các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khủng bố. Đồng quan điểm, ĐB Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, để khắc phục tình trạng đặc xá quá nhiều thì đề nghị chỉ áp dụng với một số đối tượng nhất định và cần cân nhắc các lần đặc xá cách nhau 3 - 5 năm (trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định).
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) lại cho rằng, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng vừa mở rộng một số điều kiện nhưng lại thu hẹp ở một số điều kiện khác. Số lượng phạm nhân được đặc xá mỗi đợt tuy nhiều nhưng xét về con số tuyệt đối so với số người chấp hành án cũng như số lượng được giảm án, tha tù trước thời hạn là không lớn. “Mỗi đợt đặc xá khoảng 10.000 người tuy lớn nhưng so với 150.000 người phải chấp hành án hàng năm thì con số này không phải lớn. Nếu đặt trong bối cảnh khoan hồng, góp phần giảm tải và quá tải trại giam với trung bình 2m2 trên mỗi phạm nhân sẽ thấy rõ điều đó” - ĐB Nguyễn Mạnh Cường phân tích.

Đối với ý kiến cho rằng đặc xá hơn hẳn tha thù trước thời hạn khi được miễn toàn bộ thời gian thi hành án còn lại, ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đây không phải là sự khác biệt quá lớn. Bởi, điều quan trọng nhất với người bị kết án là được thả tự do và cả hai biện pháp này đều đảm bảo cho người bị kết án được tự do ngoài xã hội. Nếu thu hẹp quá mức về đối tượng và quá chặt về điều kiện thì không nên giữ lại hình thức đặc xá này mà chỉ giữ đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Thông tin thêm với các đại biểu Quốc hội tại hội trường, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá rằng thời gian vừa qua “đặc xá có vẻ làm hơi quá” khi trong 10 năm có 7 đợt đặc xá và trung bình mỗi đợt khoảng 10.000 người. “Hội đồng xét xử để tăng án thêm 6 tháng thì phải họp cân nhắc và chịu trách nhiệm rất lớn, trong khi đặc xá mỗi đợt lên đến nhiều năm” - ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ băn khoăn.

Nhấn mạnh sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn được quy định ở luật hình sự, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, quy định về thời điểm và điều kiện cần khác nhau nhưng thể hiện như dự thảo luật lại có phần hơi giống nhau.

“Thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, còn tha tù trước thời hạn là Chánh án các cấp. Điểm khác cơ bản là người được tha tù trước thời hạn khi ra ngoài có vi phạm phải quay lại tù tiếp tục chấp hành phần còn lại của bản án. Còn đặc xá tha là tha luôn” – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình phân tích và cho rằng việc tha tù trước thời hạn thể hiện chính sách nhân đạo nhưng cũng nghiêm minh, gắn trách nhiệm của cơ quan thi hành án và địa phương trong theo dõi người được tha tù.

Trước nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật tốt nhất.