Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo của các cơ quan tư pháp và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhất là những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác này.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Mới chỉ bắt được “mèo nhỏ, chuột con”
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhắc lại một sự ví von đã được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về vấn đề này trước đó. Ông nhấn mạnh rằng kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay mới chỉ như bắt được "mèo nhỏ, chuột con”.
Đại biểu này chỉ ra một nghịch lý là cơ quan phòng chống tham nhũng của ta “tầng tầng lớp lớp”, từ Trung ương tới địa phương, song phần lớn các vụ việc tham nhũng là do người dân và báo chí phát hiện.
Ông Tiến nói một cách rất hình ảnh: Chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu để chống tham nhũng. Song “giặc nội xâm” tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu, tiêu diệt chưa được là mấy.
“Tham nhũng chưa bị chặn đứng và đẩy lùi có nghĩa là tham nhũng đang tiến về phía chúng ta và chính chúng ta có dấu hiệu đang dần bị đẩy lùi”, đại biểu Tiến bày tỏ.
Khoanh vùng “bắt hổ”
Hiến kế nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất phải khoanh vùng đối tượng có nguy cơ tham nhũng để chúng ta có giải pháp đấu tranh hiệu quả. Theo đại biểu này, việc chống tham nhũng cần phải bình tĩnh để có giải pháp cụ thể, nếu không thì “bắt được con chuột” lại làm “vỡ cả mâm cỗ”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh tới “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong công tác phòng chống “quốc nạn” tham nhũng.
Bà Khá đề nghị cần tập trung vào các vụ án tham nhũng để xử nghiêm minh, làm từ gốc chứ không từ ngọn. Việc thu hồi thất thoát từ tham nhũng cũng phải làm triệt để, bởi đó là tiền thuế do dân đóng góp.
Đại biểu Lê Như Tiến và nhiều đại biểu kiến nghị các cơ quan phòng chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch “bắt hổ” tại những trọng điểm có thể xảy ra tham nhũng lớn, hơn là dàn những trận lớn để chỉ bắt “mèo nhỏ, chuột con”.
Công khai bản kê khai tài sản
Theo một số đại biểu thì đây cũng là một cách để phòng chống tham nhũng. Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị phải công khai kết quả minh bạch tài sản. Theo ông, chúng ta có kê khai mà không công khai. Bản kê khai tài sản thường được cất rất ngăn nắp, kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ mà không niêm yết công khai ở nơi công tác, nơi cư trú của người có chức, có quyền…
Chính vì không công khai bản kê khai tài sản nên có cán bộ cấp phòng ở một thành phố, sau hơn 1 năm, tài sản gia tăng lên đến hàng chục tỉ đồng, có cậu bé mới lớn đã “tích lũy” được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền, đại biểu đưa ra ví dụ này để nhấn mạnh rằng: Bên cạnh việc công khai bản kê khai tài sản cần xử lý nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng.
Giao “thượng phương bảo kiếm” cho bộ máy chuyên trách
Về tổ chức bộ máy chống tham nhũng, vẫn đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị, bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có, cần thành lập Cục Điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt, được trao “thượng phương bảo kiếm” để thực hiện tốt công tác này.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần lập lực lượng chuyên trách điều tra phòng, chống tham nhũng với đội ngũ cán bộ tinh nhuệ về trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Có như vậy mới có thể đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài như hiện nay, không cho thời gian để bị can, bị cáo chạy án, gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.