Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu chuyên trách góp ý vào Dự án Luật Công chứng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (10/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 3 dự án Luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công.

Đây là các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trị hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trị hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: 3 dự án Luật này có ý nghĩa và tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, cũng như được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Vì vậy, hội nghị này có tính chuyên sâu nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn góp phần nâng cao chất lượng các dự án Luật và chất lượng của kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tích cực tham đóng góp nhiều ý kiến xác đáng góp phần vào thành công của hội nghị.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã tập trung góp ý vào Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như phạm vi công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên; công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ; chủ trương xã hội hóa nghề công chứng…

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, một số đại biểu đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính Nhà nước để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - đoàn Lâm Đồng nêu ý kiến: “Chứng thực là chỉ chứng nhận về hình thức. Công chứng là chứng nhận cả nội dung và hình thức. Đây là sự phân biệt cơ bản nhất trong Luật Công chứng. Theo tôi, nếu mở rộng là mở hết để tạo điều kiện cho người dân cả công chứng và chứng thực. Vì một người gần phòng công chứng có nội dung cần công chứng, cần chứng thực nhưng phải đi hai nơi. Do đó, theo tôi mở hết để tạo thuận lợi cho người dân”.

Về nguyên tắc hành nghề công chứng, các đại biểu băn khoăn về quy định bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”, vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Quy định như vậy sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng.

Đại biểu Trần Du Lịch- đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ nội dung này: “Tôi ủng hộ đây là tổ chức không vì lợi nhuận, nhưng phải làm rõ thế nào là phi lợi nhuận. Định chế này là cần chế định rõ, tổ chức này áp dụng cho cả tư nhân và các cơ quan sự nghiệp của Nhà nước đều phi lợi nhuận. Tức là, có tình trạng tôi ra làm phòng công chứng, bỏ tiền đầu tư được quyền khấu hao để lấy tiền đầu tư về, nhưng không được chia lợi nhuận ở đây mới gọi là phi lợi nhuận. Còn hiện tại, bỏ tiền ra để rồi chia lợi nhuận thì không gọi là phi lợi nhuận.”

Về quy định “Độ tuổi hành nghề công chứng” trong dự thảo Luật, tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi bởi đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.

Về chủ trương xã hội hóa nghề công chứng, đa số các đại biểu ủng hộ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, song đề nghị vẫn cần phải duy trì Phòng công chứng tại những địa bàn nhất định; Nhà nước cần đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi không có Văn phòng công chứng.