Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) - Phó Chủ tịch Đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng cần có một Nghị quyết của Quốc hội tuyên bố lập trường về tình hình Biển Đông

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) - Phó Chủ tịch Đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng cần có một Nghị quyết của Quốc hội tuyên bố lập trường về tình hình Biển Đông, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, vạch trần âm mưu "vừa đấm, vừa xoa", "vừa đánh, vừa đàm" của Trung Quốc.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Căn cước công dân, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã đưa ra vấn đề này: "Kể từ khi khai mạc kỳ họp này, đồng bào cả nước vô cùng mong mỏi là: Trước hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam, thực hiện một bước "đường lưỡi bò" tham lam và phi lý của họ, Quốc hội Việt Nam phải nhân danh Nhân dân Việt Nam có một Nghị quyết".

Tại sao ông lại phát biểu về vấn đề Biển Đông trong phiên thảo luận về Luật?

- Tôi thấy chương trình nghị sự của Quốc hội không có mục gì thể hiện quyết sách về Biển Đông. Từ đầu kỳ họp đến nay chỉ có một phiên thảo luận về tổ và thảo luận tại hội trường về việc này nhưng chưa có dự định về một Nghị quyết hay một tuyên bố chính thức đối với những diễn biến trên Biển Đông. Do đó, không phải tôi mà chính là rất nhiều cử tri, nhiều tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có động thái gì chính thức.

Nếu Quốc hội ra Nghị quyết thì theo ông, nội dung Nghị quyết nên thế nào?

- Trong văn bản cần có mấy điểm: Thứ nhất, Quốc hội Việt Nam phải nói rõ chúng ta có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vừa rồi, Trung Quốc tung ra thế giới, kể cả ở Liên Hợp quốc những nội dung sai trái, đưa ra một cách chính thức về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức, từ cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Thứ hai, Nghị quyết phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, hành vi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, nghĩa là đi ngược lại với tất cả những điều đã cam kết, tuyên bố với Việt Nam và các nước ASEAN. Trung Quốc đã thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm Biển Đông. Việc kéo giàn khoan đến là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mưu lâu dài hơn như thế. Thứ ba, trong tuyên bố của Quốc hội cần khẳng định tình hữu nghị của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam làm mọi điều để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và khẳng định việc chỉ đạo các cơ quan Nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực sai trái với luật pháp quốc tế…

Các nghị viện trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có Nghị quyết về vấn đề giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có lý do gì người bị xâm phạm trực tiếp là chúng ta thì lại im lặng. Nhân dân sẽ thất vọng nếu Quốc hội không có hành động tương xứng. Còn hiện tại, mọi người vẫn đang chờ đợi những động thái của Quốc hội.

Phương án khởi kiện Trung Quốc được nhiều người đưa ra, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khó khăn, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Khởi kiện là bắt đầu một quá trình đấu tranh pháp lý về một đề tài phức tạp như thế, trong bối cảnh phức tạp như thế tại một cơ quan tài phán quốc tế thì rõ ràng là không bao giờ dễ dàng, thậm chí là không thuận lợi. Nhưng các chuyên gia pháp luật của Việt Nam và quốc tế từng nghiên cứu đã nói ta có những điểm mạnh và có thể đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại khởi kiện sẽ có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo.

Thông tin mới đây cho thấy, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Hành động của Trung Quốc không thể xem chỉ ở khía cạnh họ xây thêm một công trình hay đặt thêm một giàn khoan trên biển, mà là họ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát Biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ lợi ích ích kỷ của họ. Vậy nên, có xây thêm gì ở Gạc Ma thì cũng là hành động nhằm phục vụ ý đồ đó mà thôi.

Xin cảm ơn ông!