Cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái tâm quyết không thỏa hiệp với sai phạm trong PCCC

Khang Nhi- Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (13/11), nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, nêu bật những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Công tác phòng, cháy chữa cháy đang mang quá nhiều tồn tại, thiếu sót
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nếu thảm kịch 39 người chết trong xe container làm cả thế giới rung động, bàng hoàng thì thảm cảnh chết do cháy còn gấp đôi số đó, chưa kể số người bị thương gấp 5 lần. Hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại, hàng ngàn ha rừng bị thiêu rụi. Đó chỉ là con số trung bình một năm mà báo cáo đã nêu.
Một trong những vụ việc được nhiều đại biểu dẫn ra liên quan đến vụ cháy ở chung cư Carina tại TP Hồ Chí Minh. "Hơn một năm đã qua, dù nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây, thì mọi thứ như mới hôm qua. Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa - điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp. Hậu quả là rõ ràng như vậy, song điều khiến ĐBQH băn khoăn, trăn trở, đó là “công tác phòng, cháy chữa cháy đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót” - Ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, từ Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, nhân lực và vật lực phòng, cháy chữa cháy đều không đạt cả về chất lẫn về lượng. Đội văn phòng cho công tác này chỉ đạt 23%, lực lượng ở cơ sở và chuyên ngành cũng chỉ hơn 60%. Nhân lực ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự trong lực lượng chuyên ngành. Phương châm “4 tại chỗ” không ngoài mục đích "nước xa không cứu được lửa gần". "Tuy nhiên, thực trạng trên có phải phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao chỉ có khoảng 26% số vụ hỏa hoạn được dập tắt bởi lực lượng tại chỗ?" - Ông Nhân đặt vấn đề.
Trong khi đó, cũng qua giám sát cho thấy, số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước, bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được. Khánh Hòa thiếu 3.559 trụ, Hải Phòng 3.500 trụ. Trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Trọng Nhân, bên cạnh việc bị san lấp, xây công trình che chắn lối vào lấy nước thì cũng đang oằn mình gánh hàng tấn rác mỗi ngày. Hệ quả không chỉ nguồn nước bị bức tử gây ngập lụt mà còn tước đi cơ hội được sống trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.
"Đáng ngại hơn hệ thống thiết bị phòng, cháy chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến không hoạt động mà vụ cháy chung cư Carina là một điển hình. Công tác kiểm tra chung cư được tiến hành 21 lần trong 5 năm, tuy nhiên khi cháy xảy ra thì hệ thống chuông báo cháy không hoạt động.
Hệ thống báo khói, đầu phun nước tự động không tác dụng. Đèn hướng dẫn thoát hiểm cũng không, các trụ bơm cũng không sử dụng được. 4 “cái không” sau 21 lần kiểm tra liệu đã đủ để làm đậm thêm bức tranh ám khói về thực trạng công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hay chưa, nhưng vẫn không là gì so với trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ý thức của ai đó đang tâm vô hiệu hệ thống thoát nạn mà cái giá phải trả là sự ra đi trong oan ức của 13 sinh mệnh." -  Đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn trao đổi.
"Cũng từ báo cáo các vụ cháy do hệ thống sự cố thiết bị điện chiếm 57% thì liệu có bình thường? Đâu là sự lơ là, chủ quan người dân? Đâu là sự tắc trách của ngành chức năng liên quan? Có nghịch lý không khi càng tổ chức các buổi kiểm tra, tuyên truyền, huấn luyện, càng phát hành pano, khẩu hiệu thì cháy xảy ra càng nhiều?" - Ông Nhân đặt câu hỏi.
Càng phát hành pano, khẩu hiệu thì cháy xảy ra càng nhiều?
Trong giai đoạn giám sát gần 150.000 lớp tuyên truyền, huấn luyện được tổ chức, hơn 4 triệu pano, khẩu hiệu được phát hành, 1.500.000 lượt tổ chức kiểm tra và hàng triệu tồn tại, thiếu sót được chỉ ra, những số vụ cháy năm 2017 lại gấp đôi năm 2015 và mới 7 tháng đầu năm 2018 đã vượt quá nửa cùng kỳ?
Theo như tổng kết của đại biểu Phạm Trọng Nhân, là “cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi”.
Như vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra, huấn luyện có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì? Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã bỏ ra, tuy nhiên làm nhiều nhưng đọng lại ít và hệ quả là “những cái giá như” không có hồi kết.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng thẳng thắn chỉ rõ, "chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn đó thì dù có tổ chức gấp bao nhiêu lần các lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó lòng mong công tác này hiệu quả."
Không ai có khả năng cho mình cái quyền chối từ những rủi ro, bất hạnh nhưng người dân lại có một quyền cơ bản được Hiến định đó là tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, việc sinh sống trong các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thì liệu đã đảm bảo quyền trên được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc chưa.
Đáng nói hơn, 59 cơ quan đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân tại địa phương lại chưa ban hành nghị quyết theo quy định để đảm bảo việc thực hiện quyền được Hiến định thì biết tìm đâu ra câu trả lời?
Tuy nhiên, điều mà các đại biểu lưu ý, đó là sau giám sát, những hạn chế, tồn tại sẽ được chấn chỉnh thế nào? Vì theo nhận định của Đoàn giám sát, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra lại không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thì tình trạng “ném đá ao bèo” liệu có lặp lại?
"Cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là “cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy để không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa và những cái chết oan ức, thương tâm như trong thời gian qua.” - Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần