Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội hiến kế gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không đề cập lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể, song tại phiên thảo luận ngày 29/7, Thủ tướng khẳng định cam kết trước Quốc hội là Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016.

Phát triển nông nghiệp gắn với an toàn thực phẩm

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) chọn vấn đề của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong hàng loạt những vấn đề mà cử tri muốn gửi gắm tới Quốc hội. Theo ĐB, một trong các nguyên nhân chính làm tăng trưởng thấp là khu vực nông nghiệp, lâm thủy sản sụt giảm mạnh. “Khu vực nông nghiệp hiện nay có diện tích rất rộng 70% và gần 70% dân số, 46% lao động. Nhưng khu vực này thu nhập đang ở mức thấp và về tổng thể vẫn là nền nông nghiệp dựa trên các hộ nhỏ lẻ. Cộng thêm khó khăn về thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu, đầu tư cho nông nghiệp ít... đang là những rào cản lớn để có thể hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững, bước vào hội nhập sâu” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, hiện, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tới 180 nước. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì áp lực chất lượng, tham gia vào chuỗi giá trị và đảm bảo ATTP là thách thức lớn. Bộ trưởng cho biết, các biện pháp đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được quan tâm, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng cải thiện. Theo Bộ trưởng, công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ được rà soát, đánh giá và định hướng cụ thể. Tuy nhiên, nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó để có đầu tư lớn cho phát triển kinh tế nông nghiệp cần có cơ chế chính sách tốt hơn nữa để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Giảm nợ xấu, nợ công gắn với chống tham nhũng

Trước áp lực ngân sách, nợ công tăng cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cơ quan điều hành sẽ tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, tiết kiệm chi... để đảm bảo các cân đối vĩ mô. ĐB Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) cho rằng, trong vấn đề thực hành tiết kiệm của Chính phủ đưa ra vẫn chưa đánh giá cụ thể việc lãng phí trong 3 lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, sử dụng đất và nguồn nhân lực. "Nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư hàng năm cho đào tạo lao động, sinh viên nhưng ra trường không tìm được việc làm; Trong xây dựng cơ bản, lãng phí thất thoát xảy ra từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu bàn giao…” - ông Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến.Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến.Ảnh: TTXVN
"Diện tích đất bình quân đầu người ở Việt Nam thấp nhất thế giới nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả. 8 triệu ha đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh đang bị sử dụng sai mục đích, nhiều nơi chuyển nhượng bất hợp pháp, để hoang hóa, trong khi người dân thiếu đất canh tác". ĐB Trần Xuân Hùng còn nêu các con số: Cơ quan, đơn vị công lập trong cả nước đang quản lý, sử dụng 1,5 tỷ m2 đất, giá trị tương đương 594.000 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, phần lớn là các vị trí "đắc địa" ở các đô thị lớn, khu công nghiệp. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc sử dụng hiệu qủa, ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD mỗi năm, một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh hiện nay để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội".

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho hay, việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lãng phí, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu là một trong nguyên do khiến nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ ở mức cao.

Liên quan đến con số nợ xấu,  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thực chất nợ xấu còn cao hơn nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đến tháng 5/2016, nợ xấu chuyển bán sang VAMC là 246.986 tỷ đồng, chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với con số mà NHNN đưa ra 2,4% hồi cuối tháng 4. Do đó phải đổi mới phương thức hoạt động VAMC và giảm nợ xấu do công ty này quản lý một cách rõ rệt.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ điều hành tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020; Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung; quản lý chặt chẽ kinh phí xây dựng trụ sở và sử dụng tài sản công".

Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Cho rằng, lấy cải thiện môi trường kinh doanh làm động lực tăng trưởng, các ĐB đề cao Chính phủ mới kiện toàn đã đưa ra nhiều thông điệp thể hiện quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. “6 tháng vừa qua, số lượng các DN ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Đẩy mạnh phát triển DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những năm tiếp theo phải xây dựng thể chế chính sách tốt hơn”, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu. “Chính phủ nhìn nhận rõ những hạn chế hiện nay với 9 khó khăn và 8 nhóm giải pháp rất phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành trong giai đoạn tới. Tôi tâm đắc với 3 vấn đề quan tâm trong thời gian tới là cải cách về thể chế, con người và tổ chức thực hiện. Theo tôi quan trọng nhất vẫn là con người” - ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.

Thời gian qua Chính phủ đã ban hành 50 Nghị định về điều kinh doanh, kiên quyết loại bỏ giấy phép con được cử tri đánh giá cao. “Để xu hướng này phát triển, đề nghị CP trong quá trình xây dựng nghị định về kinh doanh cần thường xuyên rà soát, kiểm tra không để lặp lại tình trạng đẻ ra giấy phép con, nâng giấy phép con thành giấy phép cha” - ĐB Tô Quang Tám (đoàn KonTum) kiến nghị.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết: Theo Nghị định số 123/2014 về cơ chế tài chính đặc thù đối với Hà Nội, hàng năm ngân sách T.Ư hỗ trợ cho Hà Nội 100% số tăng thu ngân sách T.Ư so với dự toán đã được Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP, còn lại sau khi thưởng và các khoản thu ngân sách T.Ư hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng. Căn cứ vào Nghị định trên và kết quả thu thực tế của Hà Nội, số đầu tư trở lại cho Hà Nội là 3.217,6 tỷ đồng, tuy nhiên theo báo cáo số 166 ngày 11/6/2016 của Chính phủ, do điều kiện cân đối ngân sách T.Ư khó khăn nên Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không thực hiện hỗ trợ đầu tư trở lại cho Hà Nội số tiền nêu trên.  Chúng tôi cho rằng cần lưu ý khi ban hành cơ chế tài chính phải được cân nhắc thận trọng để cân đối với nguồn lực, khả năng tài chính, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện và khi đã ban hành chính sách bằng văn bản quy phạm pháp luật thì cần thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng nợ chính sách ảnh hưởng đến tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.