Đại biểu Quốc hội lo kinh tế phụ thuộc vào FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 22/5, phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều ĐB lo ngại, với độ mở kinh tế hiện nay đứng thứ 7 thế giới (có độ mở lớn), kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP, nên dễ bị nhạy cảm với những biến động kinh tế thế giới.

Phải có giải pháp khác với FDI
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, 30 năm qua khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả nhất định, giải ngân 172 tỷ USD (7,8%GDP), chiếm 25% tổng vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu chiếm 72%… Theo ĐB Ngân, đây là yếu tố cần chú ý bởi chỉ cần có sự chuyển hướng, rút vốn sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. “Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất, nên sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy tiền tệ thế giới và ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng ta vẫn rất cần nguồn vốn này, vì thế phải có chiến lược thu hút FDI”, ĐB Ngân lưu ý.
 ĐB Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng nay.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt câu hỏi: FDI giờ nhìn lại, sau khi họ vào nước ta 20 năm lực lượng ấy, con người ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta chứ không phải vẫn là người xa lạ. Tới khi họ rút đi chúng ta còn lại gì?. Đã có nhiều DN Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ khối này, thậm chí họ buộc phải bán DN. Nhưng sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, các DN FDI vẫn chưa trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế.
Ông Nghĩa lấy ví dụ bài học ô tô đã được các chuyên gia chỉ rõ, do sự quản lý kém dẫn tới chuyện họ chỉ mượn lao động giá rẻ, khi chúng ta nâng giá lao động lên họ sẽ rút đi. Họ mượn đất, mượn ưu đãi của chúng ta – giảm nguồn thu ngân sách. “Đổi lại chúng ta thu hút trở lại được gì? Lợi nhuận họ thu được như một số nhà đầu tư FDI, kể cả Samsung có lợi nhuận rất lớn, nhưng đóng góp vào ngân sách không tương xứng với cái họ được hưởng. “FDI có 2 mặt, nhưng chúng ta giải quyết chưa tốt nên có nhiều hạn chế, nhất là về mặt môi trường. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận và có một giải pháp khác đi đối với FDI. Không thể hy sinh môi trường, dễ dãi trong thu hút FDI nữa”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Hỗ trợ khu vực trong nước mở rộng thị trường
Theo ĐB Ngân, nguồn vốn FDI thời gian tới cần hướng đến 4 tiêu chí xanh, sạch, (xem xét lý lịch DN đó, đảm bảo hoạt động minh bạch chống chuyển giá) ;chất lượng (công nghệ cao); và tính lan tỏa vì thời gian qua FDI lan tỏa hỗ trợ công nghệ để DN trong nước phát triển rất mờ.
Theo ĐB Ngân, với độ mở kinh tế hiện nay và những biến động kinh tế thế giới trong khi tình hình thế giới rất phức tạp, nên cần quan tâm tới thị trường trong nước, kiểm soát độ mở, khắc phục những hạn chế nội tại, đặc biệt là các cân đối lớn và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời hỗ trợ khu vực DN trong nước phát triển bởi thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm quyết liệt nhưng vẫn còn rườm rà, các chi phí logistics vẫn còn rất cao.
3 đặc khu kinh tế tránh nhóm lợi ích làm méo mó
Liên quan đến vấn đề FDI, ĐB Trương Trọng Nghĩa muốn lưu ý về việc thành lập 3 cái đặc khu kinh tế hành chính hiện nay. Dẫn lời một số chuyên gia, ông Nghĩa cho biết đây là một sự đặt cược lớn. Theo ông Nghĩa chủ trương thành lập đặc khu là đúng nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý, vào xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích nên nó làm méo mó đi chủ trương ban đầu của chúng ta. “Ba đặc khu này là rất lớn và nó liên quan tới cả trăm ngàn dân ở các vùng miền, liên quan đến rừng vàng, biển bạc của chúng ta, đến các di sản thiên nhiên của chúng ta, chúng ta đã tính hết chưa. Tôi xin thưa là đã có những quốc gia đã phải trả giá cho việc này, có những nước không trả được nợ" - ĐB Trương Trọng Nghĩa cảnh báo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần