Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Nước ta đang ở giai đoạn tiền làm ra khó, chi lại phải thật nhiều

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.

Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Vaccine - "chìa khóa" chiến thắng đại dịch 
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Các báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất nhiều chỉ tiêu, giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Qua báo cáo cũng như ý kiến thảo luận, đánh giá của các đại biểu Quốc hội, có thể thấy một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bức tranh đó có những gam trầm, có những khó khăn, thách thức, nhưng chủ đạo vẫn là gam màu tích cực, của niềm tin và hy vọng, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu đưa đất nước ta bước sang một giai đoạn mới phát triển hơn.
"Trong bức tranh toàn cảnh đó, nổi bật lên là hình ảnh của sự hy sinh, vất vả, mồ hôi, nước mắt của các y, bác sĩ, của các chiến sĩ quân đội, công an nơi tuyến đầu chống dịch, là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo xông pha ngày đêm vì đất nước, là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết, chia sẻ của người dân, người lao động trong lúc khó khăn." - Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Với chủ trương hành động "chống dịch như chống giặc", có thể thấy thời gian này đất nước ta như đang trong thời chiến. Trong chiến tranh trước đây ta có thể hình dung được quân thù, phân chia được chiến trường, được hậu phương, nhưng giờ đây sẽ khó khăn, vất vả hơn khi kẻ địch lại vô hình và vô cùng nguy hiểm, biến đổi khôn lường hết chủng này đến chủng khác.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng: "Covid-19 có thể tấn công bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào, đánh chiếm đến bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chúng ta đang ở thời chiến, đang phải chiến đấu với đại dịch, do đó mọi hành động, mọi quyết sách cần phải có sự quyết liệt, quyết tâm cao, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ. Với tinh thần đó, việc Quốc hội bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp để xem xét, quyết định một số biện pháp cần thiết chưa có tiền lệ để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch là việc làm hết sức cần thiết, mang ý nghĩa chính trị, pháp lý rất cao." 
Về vaccine, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng đây sẽ là “chìa khóa” để ta chiến thắng đại dịch. Mặc dù đã rất cố gắng, chủ động vận động mọi kênh, mọi cấp nhưng hiện nay số vaccine chúng ta thực nhận và số người được tiêm còn rất hạn chế. Đến thời điểm này, chúng ta mới có khoảng 10 triệu liều vaccine về tới Việt Nam trên tổng mục tiêu là 150 triệu liều. Chúng ta mới có khoảng 4,5 triệu người được tiêm, trong đó số được tiêm đủ 2 mũi mới chỉ khoảng 1% dân số.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đưa vaccine về nước, trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, chung tay cùng Chính phủ để đưa vaccine về Việt Nam.
"Ở Đồng Nai nơi tôi ứng cử và một số địa phương khác có những doanh nghiệp đã chủ động liên hệ, tiếp cận được nguồn vaccine" - Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết và đề nghị "Bộ Y tế hỗ trợ và rất mong được Bộ Y tế quan tâm, hướng dẫn để nhân dân ở các vùng tâm dịch như Đồng Nai chúng tôi sớm được tiêm vaccine."
"Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu để cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax, chúng ta cần có vaccine “made in Việt Nam” càng sớm càng tốt và hiện nay thì Nano Covax đã thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cho kết quả rất là khả quan. Do đó, tôi đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm đến vấn đề này." - Đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.
Về nguồn lực, nước ta đang ở giai đoạn “tiền làm ra thì khó, lại chi thì phải thật nhiều”, nhất là chi cho chống dịch. Do đó, cần tập trung tối đa nguồn lực cho các nhiệm vụ chi cấp bách. Vì thế, Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị tiếp tục thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cắt giảm chi thường xuyên. Đề nghị rà soát lại các dự án đầu tư các dự án đầu tư công để tránh dàn trải, tập trung vốn ngân sách cho công trình công trình trọng điểm, an sinh xã hội và chống dịch.
Nghiên cứu để cắt giảm, loại bỏ bớt 513 dự án mà chưa được phê duyệt

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát để giảm số lượng danh mục dự án mới khởi công, nghiên cứu để cắt giảm, loại bỏ bớt 513 dự án mà chưa được phê duyệt. Chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng có nêu. Đồng thời, đề nghị đề nghị tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ của ngành công thương. Dự án nào cứu được thì ta tập trung để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn dự án nào không thể, cần thiết phải bán hoặc phá sản để trả tiền về cho nhà nước, cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế. Số liệu về nợ đọng thuế đến nay là theo báo cáo đến 116.000 tỷ đồng, tôi cho rằng đây là một câu chuyện rất lớn. Cần tập trung giải ngân các gói hỗ trợ bảo đảm đúng, đủ cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với các đối tượng công nhân, người lao động bị mất việc làm, thu nhập. Đến nay số liệu cho thấy giải ngân của gói 26.000 tỷ đồng của chúng ta là rất thấp. Có những nội dung chúng ta chỉ đạt có 0,26%. Đề nghị cần phải rút kinh nghiệm cho gói 26.000 tỷ đồng chúng ta mới được triển khai.
Cùng với an sinh xã hội cần phải chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến hệ lụy không nhỏ tác động đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập sẽ có nguy cơ và sẽ là nguyên nhân để dẫn đến tội phạm vi phạm pháp luật gia tăng. Do đó, cần quan tâm để xử lý sớm vấn đề này.
"Chúng ta đang nói rất nhiều đến chống dịch, đến thực hiện mục tiêu kép, nhưng tôi đề nghị tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo đảm chủ quyền quốc gia, nhất là khu vực biên giới và trên biển, phải tăng cường đầu tư cho quân đội và các lực lượng vũ trang, bảo đảm đủ nguồn lực để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Cần tiếp tục có những hành động kiên quyết, quyết liệt để giữ vững chủ quyền quốc gia, nhất là trên hướng biển và biên giới trên bộ." - Đại biểu Trịnh Xuân An nói.