Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: “Tiền nhiều đến đâu cũng không mua được môi trường”

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền nhiều đến đâu cũng không mua được môi trường tươi đẹp”, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) phát biểu.

Tại sao chỉ Chính phủ mới liêm chính, hành động, kiến tạo?

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) đặt một số vấn đề được người dân và cử tri quan tâm như, tại sao chỉ có một mình chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi cả nước có cả hệ thống chính trị?

Vấn đề tiếp theo là tham nhũng, lãng phí chưa được chặn đứng, tiền của dân chắt chiu trong mồ hôi nước mắt, nhưng tham nhũng vẫn còn ở nhiều nơi.

Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt việc chú trọng đầu tư, trong đó hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (tỉnh Bến Tre).
Tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội đang diễn ra rất nhiều hiện nay. Đồng tiền làm phai nhạt các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, làm suy thoái đạo đức, đâm thủng cả pháp luật. Minh chứng là tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy học…

Theo đại biểu chính sách lao động giá rẻ, sự kêu gọi đầu tư, sự hời hợt, thiếu trách nhiệm trong thẩm định khiến môi trường phải chịu hệ lụy. “Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền nhiều đến đâu cũng không mua được môi trường tươi đẹp”.

Đại biểu cũng cho rằng, bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn thực phẩm, ra đường thì lo an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây.... mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và vô cảm trong ứng xử đạo đức giữa người với người.

Phát biểu tranh luận liên quan đến ý kiến của đại biểu Đặng Thuần Phong, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh) bày tỏ tôn trọng cách nhìn của đại biểu Nguyễn Thuần Phong và cho rằng, cách nói “Chính phủ liêm chính” không có nghĩa chỉ Chính phủ liêm chính. Hiện nay, Đảng đang lãnh đạo để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và nhiều cấp ủy khác trong cả nước đang thực hiện quyết liệt với ý thức chính trị cao đối với đất nước và toàn dân. Thời gian vừa qua, Trung ương có nhiều chỉ đạo xử lý nghiêm túc vấn đề tiêu cực, tham nhũng đối với người đứng đầu. Cử tri rất phấn khởi về kết quả bước đầu, hiệu ứng về vấn đề này đang rất tốt.

“Cả hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, có thể chưa được như mong muốn nhưng đã thể hiện ý chí chính trị và thấy được rằng chúng ta phải thực hiện để Đảng mạnh, dân tin, đất nước phát triển”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Vẫn còn cán bộ sách nhiễu doanh nghiệp

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp mang lại nhiều kết quả tích cực song cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong mỏi quyết tâm của Chính phủ nêu trong nghị quyết cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn, đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi, một vài bộ phận chưa có sự chuyển biến tích cực, chưa đồng hành cùng doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp than phiền thường xuyên tiếp các đoàn thanh kiểm tra, kiểm tra chống chéo, gây phiền hà. Có doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Bình Phước bị đóng cửa dây chuyền sản xuất vì tự ý thay đổi công nghệ xử lý chất thải, dù công nghệ hiện đại hơn nhưng theo thanh tra, doanh nghiệp thay đổi không đúng quy định. Sau đó, chính đơn vị thanh tra lại ra quyết định hủy bỏ quyết định trên. Doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại do quyết định tùy tiện đó.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tháng 4/2017 có số doanh nghiệp thành lập tăng kỷ lục, 4 tháng đầu năm cả nước có 39.580 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có 31.467 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, như vậy cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì gần 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để tránh tình trạng cán bộ cơ sở sách nhiễu doanh nghiệp. Đồng thời Đại biểu bày tỏ đồng thuận trong việc ngay tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết, việc khiếu kiện đông người đang diễn ra hết sức phức tạp, một số vụ việc có yếu tố kích động, người dân bị lôi kéo, kích động, a dua tham gia khiếu kiện mà không có mục đích chính đáng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm; sửa đổi những quy định pháp lý còn bất cập nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, hòa giải cơ sở; duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu chính quyền với đại diện nhân dân; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng, kích động, lôi kéo nhân dân...