Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ khái niệm “nơi cư trú” của công dân

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 21/10, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý từ Kỳ họp thứ 9 đến nay. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cứ trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; điều khoản thi hành của Luật.
Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú, quy định tại Điều 2 Dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị Ban soan thảo rà soát, bổ sung, chỉnh lý lại các khái niệm “cư trú”,“nơi cư trú”, “nơi cư trú ổn định”, “nơi cư trú không ổn định”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”… để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất cách hiểu với các luật khác; bổ sung giải thích cụm từ “Cơ quan quản lý cư trú”; làm rõ thêm khái niệm “chỗ ở hợp pháp”, vì “chỗ ở khác”cũng có thể là chỗ ở không hợp pháp.
Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn tỉnh Quảng Bình) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “nơi cư trú” của công dân. Tại Điều 11 của dự thảo Luật quy định: “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này”. Quy định như vậy không đảm bảo tính rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Nếu nơi cư trú bao gồm cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì như vậy với một cá nhân vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú như Dự thảo luật, thì nơi cư trú của công dân được xác định như thế nào. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh, trong quan hệ pháp luật dân sự, việc xác định nơi cư trú của công dân rất quan trọng, nhất là khi xác định quyền và nghĩa vụ trong việc tống đạt giấy tờ, xác định thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp…
Ngoài ra, quy định này không thống nhất với Bộ Luật Dân sự, vì theo Bộ Luật Dân sự, nơi cư trú của công dân là nơi công dân thường xuyên sinh sống. Trong khi đó Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ yếu tố thường xuyên sinh sống. Báo cáo tổng kết của Chính phủ có nêu việc xác định nơi thường xuyên sinh sống của công dân khó khăn, có địa phương xác định là 2-4 tuần, nhưng có địa phương xác định 9 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đây không phải lý do để bỏ yếu tố nơi thường xuyên sinh sống. Vì vậy, cần có quy định phù hợp với Bộ Luật Dân sự và có hướng dẫn cụ thể nơi công dân sinh sống, nếu cần thiết có thể sửa luật để đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn tỉnh Đắk Lắk) cho rằng các quy định về nơi cư trú trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) không có cụm từ nào thể hiện yếu tố thường xuyên sinh sống, do vậy nếu đối chiếu riêng các quy định này trong Dự thảo Luật với quy định của Bộ Luật Dân sự có vẻ không thống nhất. Tuy nhiên, tại khoản 10, khoản 11 Điều 2 của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) có giải thích khái niệm nơi thường trú, nơi tạm trú. Theo đó, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài; nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, yếu tố nơi sinh sống ổn định lâu dài, sinh sống trong khoản thời gian nhất định chính là thể hiện nội dung thường xuyên sinh sống trong quy định về nơi cư trú trong Bộ Luật Dân sự. Do vậy, quy định về nơi cư trú, nơi thường trú, nơi tạm trú trong Dự thảo luật vẫn bảo đảm tính thống nhất với quy định về nơi cư trú của công dân với Bộ Luật Dân sự.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú, điều kiện đăng ký tạm trú. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.
Đối với điều kiện đăng ký tạm trú, nhiều đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Do đó, để phục vụ công tác quản lý cư trú của Nhà nước, công dân phải thực hiện việc đăng ký tạm trú và không có cơ sở nào để người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được từ chối, cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.
Góp ý về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Đại biểu Triệu Thanh Dung (Đoàn tỉnh Cao Bằng), đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn tỉnh Tiền Giang) đánh giá cao thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 01/7/2021.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các công việc như trong kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, trong Luật cần có một số quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn tỉnh Điện Biên) đề nghị quy định như Phương án 1 của dự thảo Luật. Cần có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Đại biểu Trần Thị Dung cho biết, theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, trong giai đoạn 2021-2025, mới chỉ có 60% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệpđược đưa vào vận hành, khai thác, kết nối liên thông; 90% hồ sơ công việc của các bộ, các tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9/2022 các bộ, ngành địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa, thông tin để đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, theo kế hoạch của Chính phủ thì đến hết 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành địa phương; chưa kể đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, cả nước đang tập trung đối phó dịch bệnh và lũ lụt nên việc dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú và việc đầu tư hạ tầng kết nối giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc từ Trung ương đến cấp xã, đảm bảo khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 01/7/2021 là rất khó khăn, khó đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Trần Thị Dung nhấn mạnh, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan, do vậy cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện, tránh làm khó cho người dân. Việc lựa chọn phương án 1 cũng không làm ảnh hưởng tới sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công an trong việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân và không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật.
Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng, hiện nay, trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ ràng tại Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết.

Thời gian qua, tình trạng chủ nhà hàng, khách sạn, nhà hàng, quán hát karaoke và gia đình đã sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em…diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Khi được kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là con cháu, họ hàng.

Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi. Theo đó, yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Quan tâm, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình, các bộ ngành, cơ quan chức năng và toàn xã hội. 

Liên quan tới các nội dung quy định trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão cũng kiến nghị bỏ quy định về việc người đăng ký thường trú phải “được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ” (quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 20 về Điều kiện đăng ký thường trú).

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với các đối tượng này.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn tỉnh Thái Bình), cũng đồng tình xóa đăng ký thường trú, nhưng đề nghị chỉ xóa thông tin thường trú đang được đăng ký của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa và việc xóa cũng không ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch của công dân và không tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định như vậy nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong thực hiện quy định của pháp luật; đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nắm chắc và chính xác số lượng dân cư trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú ảo. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo có quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của công dân khi không thực hiện đúng quy định của Luật.

Về diện tích tối thiểu quy định tại điểm b khoản 3, Điều 20 vẫn còn có 2 ý kiến khác nhau. Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.

Cho ý kiến về quy định này, Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Mức diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 tại các địa phương và phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đại biểu Triệu Thanh Dung (Đoàn tỉnh Cao Bằng), đề nghị bổ sung quy định nhằm đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho cư dân sinh sống trên địa bàn. Mỗi tỉnh, thành phố có mức gia tăng dân số cơ học khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh quy định diện tích tối thiểu nhằm phù hợp với từng địa phương; đồng thời, cũng nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 08m2 sàn/người trở lên.

Góp ý về nội dung này một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, mà không giao cho Hội đồng nhân dân quy định mức cụ thể áp dụng ở từng địa phương, để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế vẫn có những người không có nơi cư trú ổn định, nhất là những người dân di cư tự do, sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc; trong số họ có nhiều người không có giấy tờ nhân thân hoặc tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp nên không đủ điều kiện để thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống cũng như khi quay trở về nguyên quán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện quyền cư trú và quản lý cư trú đối với người dân thuộc trường hợp này cần có các giải pháp tổng thể cả về kinh tế - xã hội và về pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 19 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ cơ sở pháp lý và thủ tục để thực hiện việc ghi nhận, xử lý các thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của các đối tượng nói trên nhằm mục đích quản lý chính xác hơn tình trạng cư trú của công dân, nhất là thông tin về “nơi ở hiện tại”, qua đó, góp phần giúp công tác quản lý cư trú được hiệu quả và sát thực tế hơn, tạo cơ sở để các địa phương bố trí nguồn lực, tổ chức công tác quy hoạch và thực hiện một số chế độ, chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này.