Đại biểu Quốc hội yêu cầu tăng mức phạt hành vi quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ, trẻ em

Công Thọ-Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn với hành vi nào thì bị phạt 30 triệu, hành vi nào thì xử phạt tới 1 tỷ đồng mà chưa được phân biệt rõ.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đặc biệt, các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội; như hành vi quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ và trẻ em nơi công cộng đã diễn ra thời gian vừa qua, “hành vi thế nào thì bị phạt tới mức độ 30 triệu đồng? Trong khi thực tế hiện nay, mức xử phạt hành vi quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ trẻ em vẫn chỉ xử phạt 200.000 đồng”. Đây là vấn đề bất cập cần xử lý ngay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận, mức xử phạt vi phạm về môi trường quy định phạt tối đa 1 tỷ đồng; vi phạm trong lĩnh vực an toàn xã hội bị phạt tới 40 triệu đồng; nhưng trong thực tế, có những hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy đã từng xảy ra, chỉ bị phạt 200.000 đồng là thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: “Luật chỉ quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực còn căn cứ mức phạt thế nào được áp dụng trong từng lĩnh vực đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Mức phạt bao nhiêu trong khung của mức phạt tiền tối đa đó do Chính phủ quy định. Hành vi vi phạm sàm sỡ phụ nữ, trẻ em nơi công cộng hiện nay quy định mức phạt 200.000 là không phù hợp.”
Với những trường hợp sàm sỡ phụ nữ, Nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn tỉnh Tiền Giang) cho ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, đối với người nghiện ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai tán hành với phần giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này. Ngoài ra, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ xác định trình tự thủ tục, thầm quyền là đủ.
Còn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Ban soạn thảo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có chỉnh sửa Điều 90 là bổ sung biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì nên bỏ. Bởi vì nếu người 18 tuổi trở lên bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định ở một xã, phường nào đó thì rất khó quản lý. Ngoài ra, khi sửa đổi Điều 140 đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 đến 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, tự nguyện khai báo thì giao cho gia đình quản lý là không khả thi. Vì có những gia đình chưa hiểu rõ, sâu sát về tác hại của việc sử dụng ma túy nên những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có những cán bộ giáo dục, giáo dưỡng chuyên môn quản lý, tư vấn tâm lý.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy. Tại Điều 24 của Dự thảo Luật này đã quy địnhbrõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy do xã, phường thực hiện. Trong đó nêu rõ, việc cơ quan quản lý đối tượng này nên thực hiện những việc làm như cho đối tượng xét nghiệm để biết tình trạng nghiện; tư vấn, động viên và giáo dục đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ có hiệu quả hơn.
Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) nêu quan điểm về việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà không đợi để đưa vào Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Ngoài ra, đại biểu Mai Thị Phương Hoa còn cho ý kiến về bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Điều 122 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thời hạn tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu tạm giữ người vi phạm. Nơi tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp tỉnh hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần cân nhắc quy định như trên bởi vì dự thảo Luật, phòng chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung 01 chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó có định nghĩa, người bị coi là sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng trái phép chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện. Như vậy, họ chưa được coi là người nghiện ma túy. Mặt khác, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính là hạn chế việc tự do đi lại của họ và có thể ảnh hưởng đến các quyền cơ bản khác. Do đó, quy định này cần phải được cân nhắc chặt chẽ và thận trọng.
Đóng góp ý kiến vào việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) nêu quan điểm: Khoản 4 Điều 58 đề nghị Quốc hội xem xét trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản ghi vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương-nơi phát hiện người có hành vi vi phạm hành chính.
Về trường hợp người vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc kể từ khi lập biên bản. Bởi vì trên thực tế có một số trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ làm việc của ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, tết sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định.
Ngoài ra, đại biểu Ma Thị Thúy còn đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định. Ví dụ như mức tiền xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng là khá cao nhưng đối tượng vi phạm lại thuộc diện trên.
Đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn tỉnh Hà Giang) nêu ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ở cấp huyện này nhưng lại cư trú ở địa bàn khác và thuộc phạm vi ở một tỉnh miền núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh, việc đi lại gặp khó khăn nên các cá nhân, tổ chức không có điều kiện chấp hành xử phạt tại nơi bị xử phạt. Do vậy, việc xử phạt được chuyển đến cơ quan xử phạt cùng cấp – nơi có cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để thực hiện thi hành xử phạt.
 Đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn tỉnh Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Tuy nhiên, theo đại biểu Vương Ngọc Hà, trên thực tế, đối với các tỉnh biên giới, lực lượng biên phòng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú và đi lại theo Điều 17 của Nghị định 167. Tuy nhiên, người vi phạm hành chính không có điều kiện chấp hành vi phạm tại nơi xử phạt nên các đồn biên phòng đã gửi quyết định xử phạt đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện – nơi cư trú của người vi phạm để đề nghị thi hành. Tuy nhiên, hiệu quả thi hành chưa cao vì không quy định rõ trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân tại nơi đó nhưng đến nay cũng không có cách giải quyết nào khác. Bởi vì tại địa phương cư trú của cá nhân vi phạm không có cơ quan cùng cấp (tức là không có đồn biên phòng). Vì vậy, Ban soạn thảo dự thảo Luật cần bổ sung tại Khoản 2 Điều 71 của Luật hiện hành thay cụm từ “cơ quan cùng cấp” bằng từ “Ủy ban Nhân dân cấp huyện” để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với môi trường, trật tự an toàn xã hội.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, kết thúc phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có 23 đại biểu đóng góp, 9 đại biểu tham gia tranh luận và một số ý kiến đóng góp khác. Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật. Bên cạnh đó, còn một số còn nội dung ý kiến khác nhau đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình, làm rõ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bảo đảm thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan quan đến Dự thảo Luật và đảm bảo triển khai Luật đúng thời điểm thi hành luật. Hiện còn một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội./.