Đại dịch Covid-19 phủ bóng diễn đàn WEF 2021 tại Davos

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, được công bố trước thềm WEF năm nay, nêu rõ đại dịch Covid-19 vẫn đứng đầu về nguy cơ xảy ra trong ngắn hạn lẫn tác động đối với kinh tế toàn cầu.

Ngày 25/1, diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 51, lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, đã khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng do đại dịch Covid-19, chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngày 25/1, diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 51, lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, đã khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ.
WEF 2021 được tổ chức từ ngày 25 - 29/1 có chủ đề "Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin". Các lãnh đạo châu Á đến dự có Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Nhật Bản cũng tham gia; phía châu Âu có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham gia nhưng cử ông John Kerry - Đặc phái viên về khí hậu, sau khi ông Biden chính thức thông báo đưa Washington trở lại Hiệp định Khí hậu Paris.
Trong sự kiện WEF 2020 diễn ra vào tháng 1/2020 tại Davos, hội nghị khởi đầu bằng nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo toàn cầu khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc một tháng trước đó. Tuy nhiên, sau một năm, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế lớn và khiến hàng chục triệu người thất nghiệp. Sự lạc quan hồi cuối năm 2020 về việc triển khai tiêm phòng vaccine trên diện rộng nhằm chấm dứt đại dịch đã suy giảm, khi thế giới đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và phân phối vaccine, cũng như biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, được công bố trước thềm WEF năm nay, nêu rõ đại dịch Covid-19 vẫn đứng đầu về nguy cơ xảy ra trong ngắn hạn lẫn tác động đối với kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo này, dịch Covid-19 tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 là -4,4%. Triển vọng ảm đạm của báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới dự báo sẽ kéo dài trong ít nhất 3 - 5 năm tới, bao gồm bong bóng tài sản, bất ổn giá cả, khủng hoảng nợ.
Bên cạnh đó, khủng hoảng sinh kế là yếu tố xếp thứ 2 trong những nguy cơ cận kề nhất. Dịch Covid-19 đã đẩy 150 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. Đằng sau đó còn là khủng hoảng về giáo dục khi 60% người trưởng thành bị thiếu hụt kiến thức và kỹ năng số cơ bản do các cơ quan, trường học phải đóng cửa. Điều này có nguy cơ kéo theo một kỷ nguyên của những cơ hội bị mất đi cũng như bất ổn xã hội.
Phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của WEF 2021, ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng cấp cao Singapore nói rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ không thể giải quyết được cho đến khi nào các nước đang phát triển có đủ nguồn vaccine Covid-19 để tiêm phòng cho toàn dân.
“Trên toàn cầu, không có nền kinh tế nào, kể cả những nền kinh tế tiên tiến nhất, sẽ trở lại bình thường, trừ khi hầu hết các nền kinh tế mà chúng ta gọi là đang phát triển, có thể triên khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng” - ông Shanmugaratnam lưu ý.
Bộ trưởng Singapore đánh giá rằng các quốc gia đang phát triển có thể sẽ là lực đẩy quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mục tiêu trên đang là một "thách thức lớn" đối với thế giới trong năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần