Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức thi đánh giá năng lực

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 12/12, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội khẳng định, năm 2017, ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển ĐH chính quy dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia năm 2017.

Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia

Thưa ông do nào để ĐHQG Hà Nội không tổ chức riêng kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2017?

- Triển khai các nghị quyết của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, năm 2013, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã giao ĐHQG Hà Nội thí điểm đổi mới tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) cho ngành.ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc sử dụng bài thi tổng hợp để ĐGNL thí sinh thông qua các kỳ thi trong 2 năm 2015 và 2016 nhằm phục vụ tuyển sinh ĐH hệ chính quy.

 Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn

Mặc dù phương thức thi ĐGNL - bài thi tổng hợp dùng các câu hỏi chuẩn hóa, được thực hiện trên máy tính, mỗi thí sinh một đề riêng, thí sinh thi xong biết kết quả ngay - còn rất mới ở Việt Nam. Nhưng thông qua kỳ thi ĐGNL, những đặc tính ưu việt nổi trội của phương thức này đã tạo được sự tin cậy của đông đảo phụ huynh và học sinh. Đồng thời thu hút sự cộng hưởng của công luận và xã hội. Phương thức ĐGNL cũng hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tránh học lệch/học tủ, tiết kiệm thời gian, loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như thời gian qua…

Sở dĩ chúng tôi quyết định sẽ xét tuyển ĐH chính quy dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia năm 2017 là bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi này của Bộ GD&ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQG Hà Nội đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Vậy, việc đổi mới đào tạo giáo dục ĐH của ĐHQG Hà Nội trong thời gian tới sẽ tập trung vào nội dung gì?

- Trong bối cảnh hiện nay, ĐHQG Hà Nội nhận thấy rằng, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia. Điều này cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội và nhóm các trường đã đăng ký xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này, tránh cho thí sinh không phải thi 2 kỳ thi có nhiều điểm giống nhau. Không tổ chức kỳ thi riêng, ĐHQG Hà Nội có điều kiện tập trung thực hiện các bước đổi mới tiếp theo, đi vào chiều sâu, theo lộ trình đã hoạch định trước đây và tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới của ngành trên chặng đường mới.

Chuyển giao đề thi cho Bộ GD&ĐT

Nhiều trường ĐH, CĐ đã đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi năm 2017. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Cách đây vài tháng, ĐHQG Hà Nội vẫn dự định tiến hành kỳ thi ĐGNL phục vụ cho công tác tuyển sinh bậc ĐH năm 2017. Song, qua quá trình tham gia góp ý và xây dựng phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT, ĐHQG Hà Nội thấy rằng, Bộ đang tích cực đổi mới và có nhiều điểm gần gũi  với kì thi ĐGNL mà ĐHQG Hà Nội đã tổ chức trước đây.

“Tiên phong, đổi mới” là triết lý mà ĐHQG Hà Nội đeo đuổi và luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan. Trong hành trình ấy, ĐHQG Hà Nội đã luôn kiên định thực hiện và thuyết phục được xã hội cũng như nhiều đơn vị trong ngành giáo dục cùng thực hiện. Với những trường đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL năm 2017, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức để họ có điều chỉnh kịp thời. ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh với các đơn vị và cam kết cùng giải quyết những phát sinh liên quan.

ĐHQG Hà Nội có vai trò gì đối với phương án kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT, thưa ông?

- ĐHQG Hà Nội đã chuyển giao mô hình, công nghệ, nguyên tắc và một phần ngân hàng đề (phục vụ kỳ thi ĐGNL) cho Bộ GD&ĐT theo thỏa thuận, nhiệm vụ được giao. Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo thí, kiểm tra, đánh giá cùng nhiều nhân lực của ĐHQG Hà Nội đã và đang cùng tham gia một số việc theo sự phân công, huy động theo yêu cầu của Bộ.

Xin cảm ơn ông!