Có 4 ứng cử viên tham gia cuộc bầu chọn Chủ tịch mới của IPU là nữ Chủ tịch Quốc hội Australia Bronwyn Bishop, nữ nghị sĩ Indonesia Nurhayati Ali Assegaf, nghị sĩ Bangladesh Saber Hossain Chowdhury, nguyên Chủ tịch Quốc hội Maldive Abdulla Shahid.
Các ứng cử viên đã trình bày mục tiêu và chương trình hành động nếu trở thành Chủ tịch mới của IPU. Do không có ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán, nên hiện Đại hội đồng đang tiến hành bỏ phiếu vòng 2 với 3 ứng cử viên còn lại sau vòng 1 là ứng cử viên Bangladesh giành nhiều số phiếu nhất, ứng cử viên Australia và Indonesia.
Cùng với việc bầu chủ tịch mới của IPU, việc Việt Nam gửi lời mời chính thức đến các đại biểu các nghị viện thành viên đến với IPU 132 tại Việt Nam vào tháng 3/2015 cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cụ thể của Việt Nam cả về hậu cần lẫn nội dung, các đại biểu IPU bày tỏ tin tưởng vào một đại hội đồng 132 thành công tại Hà Nội.
Nghị sĩ trẻ Many Hun của Campuchia bày tỏ: "Chúng tôi hào hứng mong đợi đến dự IPU 132, nơi vai trò của các nghị sĩ trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. IPU 132 có thể chứng kiến bước tiến lịch sử trong việc thúc đẩy tiếng nói của các nghị sĩ trẻ.
Chủ đề IPU 132 mà Việt Nam đề xuất rất quan trọng, đúng vào vấn đề phát triển bền vững hậu 2015, khi thế giới hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tôi tin tưởng rằng IPU 132 sẽ đóng góp quan trọng vào việc định hình chiến lược phát triển bền vững của thế giới sau 2015”.
Dự kiến, vào chiều 16/10 (theo giờ Geneva), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên bế mạc, tuyên bố mời các đại biểu các nghị viện thành viên IPU đến tham dự Đại hội đồng lần thứ 132 tại Hà Nội.
Tại phiên bế mạc, ban tổ chức cũng cho trình chiếu đoạn video "Việt Nam, chủ nhà của Đại hội đồng IPU 132", giới thiệu về đất nước - con người nước chủ nhà Việt Nam và quảng bá về IPU 132.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Đại hội đồng IPU 131.
|