Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XII: Kỳ vọng sự dấn thân, chờ đợi những tỏa sáng

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội XII Hội Nhà văn Hà Nội là đại hội Đoàn kết - Sáng tạo; đại hội củng cố Niềm tin, đại hội Lao động...

Nhiệm kỳ XI của Hội Nhà văn Hà Nội khép lại, những tên tuổi như: Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Việt Chiến… đã làm nên tiếng vang cho một giai đoạn cùng với những tác phẩm chất lượng được trao giải hàng năm, để xứng đáng là một tổ chức từng là mái nhà của những tác giả đã có thành tựu vinh danh trọn đời như: Lưu Quang Vũ, Phùng Cung… Nhiệm kỳ XII chuẩn bị bắt đầu (Đại hội diễn ra ngày 8 - 9/8/2017) cùng một số ước ao, dự định đã khơi lên nhưng còn chưa khởi động.
 Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ II năm 2015. Ảnh: Tú Nhi
Nhiệm kỳ XI của Hội Nhà văn Hà Nội bắt đầu với sự kiện Thủ đô và cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong trái tim của mỗi người cầm bút, niềm tự hào về dân tộc, về Thủ đô nghìn năm văn hiến đã không chỉ thắp lên niềm hi vọng mà còn mở ra những chân trời mới của nhận thức; thôi thúc trách nhiệm đối với tiền nhân và các thế hệ mai sau. Đó là một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo từ mỗi nhà văn và cả phương thức hoạt động của hội. Tính trung bình mỗi hội viên có hai tác phẩm được xuất bản, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu: “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, “Bình thơ” của Vũ Quần Phương, “Đánh đường tìm hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái, “Văn học hiện đại và tiếp cận” của Bích Thu…

Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị Những người viết văn trẻ Thủ đô lần hai trong ba ngày 24, 25, 26/9/2015 (Hội nghị lần thứ nhất năm 1993). Đại hội HNV Hà Nội lần thứ XII diễn ra khi Đảng, Nhà nước, Nhân dân đặt ra yêu cầu cao hơn đối với văn học nói riêng và văn hóa nói chung, với vị trí của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Đại hội là dịp nhìn lại và có giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập. Đó là một bộ phận không nhỏ các nhà văn xa rời cuộc sống, chưa dấn thân vào những điểm nóng, những trung tâm của phong trào cách mạng của Nhân dân Thủ đô và cả nước; chỉ coi sáng tác văn học nhằm thỏa mãn cá nhân, thể hiện cái tôi nhỏ bé. Đó là sự chậm bước trong tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách đối với những nền văn học tiên tiến trên thế giới.

Đại hội đặt ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn phát triển mới của văn học Thủ đô là: Xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên, bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác, phấn đấu hết mình vì Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thành một Hội nòng cốt của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn hóa nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.

Cùng với việc đầu tư, đẩy mạnh sáng tác, hướng tới một nền văn học có chất lượng cao mang giá trị đặc trưng Việt Nam và kết tinh giá trị nhân loại; cải tiến phương thức hoạt động hội; Hội đặt ra cho mình nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu với các tổ chức văn học của các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Đồng thời, tăng cường công tác dịch, giới thiệu, quảng bá thành tựu văn học của Thủ đô Hà Nội ra thế giới.

Đại hội XII Hội Nhà văn Hà Nội là đại hội Đoàn kết - Sáng tạo; đại hội củng cố Niềm tin, đại hội Lao động, đại hội xây dựng phong cách “Nói đi đôi với Làm”. Lịch sử và truyền thống văn chương Hà Nội bắt đầu là lịch sử của lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, là tiếng nói yêu hòa bình và các quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do của dân tộc. Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy nghìn thu… Bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải (thế kỷ XIII) và những tác phẩm bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương … đã nói lên điều đó.

Truyền thống ấy đã và sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy, là cội nguồn cho mọi sáng tạo, là điều kiện tạo nên những tác phẩm, tác giả lớn sống mãi cùng dân tộc và làm nên giá trị nhân loại.

Giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang ấy; phấn đấu để có những tác phẩm kết tinh giá trị dân tộc và nhân loại; đem trái tim mình và ngòi bút phụng sự sự nghiệp cách mạng của Nhân dân cả nước và Nhân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng, bồi đắp văn hiến Thủ đô - đó là tâm nguyện, là lời hứa của mỗi hội viên, của toàn thể Hội Nhà văn Hà Nội trước Nhân dân, trước bạn đọc hôm nay và mai sau.

Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có 600 hội viên. Trong đó có gần 300 hội viên đồng thời là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng đó là một lực lượng viết trẻ đông đảo của một Thủ đô có hơn 7 triệu dân. Đây là một tiềm năng, một thế mạnh mà không một địa phương nào trong cả nước có được.

Đối tượng chủ yếu của văn học là con người. Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người. Con người có phẩm giá nhất định sẽ tạo nên một nền văn học có phẩm giá. Dấn thân vào cuộc sống, gắn bó máu thịt với Nhân dân, bám sát các phong trào cách mạng của Nhân dân là con đường dẫn đến thành công của một nhà văn chân chính. Bằng nhiệt huyết và tài năng, làm tỏa sáng trang đời trên trang viết – đó là sứ mệnh cao cả, là vinh quang của nhà văn.

Là công dân của Thủ đô đã là một niềm tự hào. Là nhà văn Hà Nội, càng đáng tự hào hơn. Càng tự hào, càng cần phấn đấu để xứng đáng với niềm vinh dự lớn lao đó.