Trào lưu ra sách du ký vẫn đang cuốn những người “ưa xê dịch” vào vòng đam mê. Song còn đó nỗi nghi ngại của người quan tâm đến văn học Việt: Góc văn học này chỉ là một thứ mốt nhất thời?
Chưa đủ thời gian
“Xách balo lên và đi” của Huyền Chip, rồi sau đó là “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” (Trương Anh Ngọc), “Một mình ở châu Âu” (Phan Việt), “Tôi là một con lừa” (Nguyễn Phương Mai), sau nữa là “John đi tìm Hùng” (Trần Hùng John), “Đảo thiên đường” (Di Li)… Những tựa sách “hot” ấy đã làm bùng nổ một phong trào đi và viết trong giới trẻ, mà như nhiều người nói ấy là trào lưu sách du ký. Rất nhiều cái tên “mới toe” nhập làng văn, rất nhiều cuốn “ký” đã ra lò sau những chuyến “du” bên trời Tây. Muôn hình vạn trạng những kiểu đi, những cách cảm và những lối viết; kẻ công phu câu chữ, chuyên nghiệp văn chương, người dễ dãi ngôn từ, viết như đang truyền miệng. Cộng đồng mạng xôn xao, các chiêu PR thi nhau đánh bóng tác phẩm bằng chiều dài những cung đường và thời gian du hí; các hiệu sách cũng được thể tặng “vị trí vàng” cho sách du ký… Vậy là trào lưu sách du ký càng lên cơn sốt.
Thực ra, thể loại du ký này đã có mặt trong làng văn Việt cả chục năm trước. Ấy là “Sống xanh”, “Bánh mì thơm, cà phê đắng”, “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” của Ngô Thị Giáng Uyên. Ấy là “Vì cuộc đời là những chuyến đi” của Hiên Bonnin Trần, “Trên dấu chim di thê” của Văn Cầm Hải, “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai… Nhưng có lẽ chỉ đến thời điểm của “Xách balo lên và đi”, “Đảo thiên đường”… - nghĩa là từ năm 2012 - 2013, du ký mới thực sự ồn ào. Như nhận định của một người trong giới cầm bút: Sách du ký đã song hành cùng với sự phát triển và phổ biến của hình thức du lịch “phượt”, và ít nhiều cũng mang lại những sắc màu mới cho không khí văn chương trong nước. Song, sách du ký không đơn giản là được đi, được sống và kể lại, một cuốn sách du ký có nghề không chỉ giới thiệu những kinh nghiệm đi đường, cảm nhận thông thường hay giới thiệu, khuếch trương về những con số. Nghĩa là không phải cuốn du ký nào đã ra đời cũng “đúng nghĩa” ký, không phải cuốn sách nào được PR long lanh cũng đủ thuyết phục để nằm lại trong trí nhớ người đọc. Đặc biệt là không phải cứ đủ tiền làm những chuyến xuất ngoại là có thể kiếm được tấm căn cước nhập làng văn.
Sự ồn ào này tính ra đã khoảng 3 năm và giờ vẫn đang tiếp tục kéo những tính cách ưa khám phá, những đôi chân thích xê dịch vào con đường viết lách. Nhưng 3 năm ồn ào chưa đủ để khẳng định sức sống của một trào lưu văn học, cũng như chưa có câu trả lời cho sức bền của một tác phẩm trong lòng bạn đọc.
Không chệch quy luật
Đứng trước sự ồn ào của trào lưu sách du ký, đã có người nhận định: Những tác giả có sách liệt vào dạng du ký được đông đảo cộng đồng, nhất là cộng đồng mạng biết đến tình cờ gieo rắc vào tâm lý của những người thích đi, thích khám phá ngộ tưởng rằng sách du ký có lẽ là một địa hạt dễ dàng để trở nên nổi tiếng, một con đường tắt khá suôn sẻ để bước vào làng văn. Song cứ ngoảnh lại nhìn chặng đường ồn ào mà du ký đã đi, sẽ thấy dù có được đánh bóng bằng PR thì sách cũng không thể đi chệch khỏi quy luật lựa chọn của thị trường và độc giả.
Thực tế, những cuốn du ký “hot” luôn có điểm tựa riêng, chứ không đơn thuần chỉ có “đi” và “kể”. “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” có tác giả vốn là một nhà báo chuyên viết về thể thao, nhiều trải nghiệm và nhiều chữ nghĩa, thậm chí đã có sẵn một lượng độc giả nhất định. “Đảo thiên đường” là sản phẩm của nhà văn chuyên nghiệp Di Li vốn được đánh giá là giàu nội lực và đẹp về văn phong, sắc sảo về chữ nghĩa. Đến “John đi tìm Hùng” của tác giả nghiệp dư thì lại đan cài trong đó dáng dấp của một cuốn tự truyện kể về hành trình tìm kiếm bản chất Việt trong một chàng trai Mỹ gốc Việt. Bản thân cách đi của tác giả này cũng là một điểm nhấn khác biệt: Đi bộ tay không (không đem theo tiền)… Còn lại những tác phẩm làng nhàng, nhàn nhạt xuất hiện trong trào lưu du ký, dù có ầm ĩ vì PR lúc ban đầu, rồi cũng bị cuốn phăng đi không để lại dấu ấn gì trong độc giả. Quả thực, du ký rộ lên như vậy, nhưng để đếm những tác phẩm thực sự là văn chương có lẽ sẽ không hết hai bàn tay. Thế nên không ngoa khi ai đó khẳng định, cả hai tiêu chí ăn khách và sức ảnh hưởng của sách du ký Việt mới chỉ dừng lại ở mức trung bình. Là do còn thiếu những tác giả hội tụ đầy đủ cả ý thức hành trình đồng thời chắc tay trong viết lách.
Dễ hiểu vì sao sách du ký có thể ồn ào thành một trào lưu khi mà hiện nay ai nấy đều có thể tự tặng cho mình những chuyến du hành châu Âu hay đến những quốc gia trên thế giới mà trước kia luôn luôn là mơ ước. Song để sản phẩm “ký” hình thành sau một cuộc “du” có thể truyền lửa khám phá và tìm được sự đồng điệu trong bạn đọc không dễ. Sách du ký dù song hành với phong trào “phượt”, với sự nở rộ của du lịch, song vẫn không đi chệch đào thải của văn chương. Trào lưu sách du ký vì thế, đến rồi sẽ đi, chỉ những tác phẩm có khả năng truyền lửa cho bạn đọc là ở lại trong dòng chảy của văn chương Việt.
Độc giả lựa chọn ấn phẩm yêu thích tại Hội chợ sách Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|