Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tai nạn giao thông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên phạm vi toàn quốc, sáng 10/11, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Dự và cầu siêu cho các nạn nhân có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đông đảo các chư vị tăng ni, phật tử và gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông.
 
Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tai nạn giao thông - Ảnh 1
 
Ban kinh sư Học viện Phật giáo Việt Nam thực hiện các nghi lễ phật đại khoa, tiếp chân linh, triệu chân linh, cơm chân linh… cho các nạn nhân xấu số. (Ảnh: VnExpress)

Tại buổi lễ trang nghiêm và xúc động, chư tăng ni, phật tử, đại biểu và thân nhân gia đinh các nạn nhân tử vong vì giao thông đã làm lễ tụng kinh cầu siêu và mong rằng những người không may bị tử nạn do tai nạn giao thông sẽ sớm siêu đăng Phật quốc. Cùng với lễ tụng kinh cầu siêu, Ban kinh sư Học viện Phật giáo Việt Nam đã thực hiện các nghi lễ cúng như phật đại khoa, tiếp chân linh, triệu chân linh, cơm chân linh… cho các nạn nhân không may bị tai nạn giao thông.

Nhân dịp này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kêu gọi các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân không may bị tai nạn giao thông để niềm vui, hạnh phúc, an toàn, bình yên đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông cũng như đến với mọi người, mọi nhà.

Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đại lễ còn là cơ hội nhắc nhở chính mỗi người, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cộng đồng.