Ngoài chuyện "cân đong đo đếm" xem ai sẽ thay Lý Nhã Kỳ ở vị trí này, người ta còn cho rằng Bộ VHTT&DL nên thay đổi cách tìm đại sứ, thay vì ngồi một chỗ để chờ hồ sơ. Đừng bắt đại sứ... bỏ tiền 5 ứng viên đại sứ du lịch có nguyện vọng đóng góp trí tuệ, công sức để quảng bá cho đất nước là điều đáng quý. Song, rất nhiều người cho rằng, khi cảm thấy họ chưa hoặc không xứng đáng thì không nên cố "so bó đũa" để chọn lấy "cột cờ", bởi như thế sẽ không đi tới được mục tiêu đã định.
Trong việc tuyển chọn đại sứ du lịch, nhiều người đề nghị Bộ VHTT&DL nên tổng kết hoạt động của một nhiệm kỳ đại sứ đã qua để đánh giá những việc Lý Nhã Kỳ đã làm được cho ngành du lịch. Trong đó, điều nhiều người không đồng tình với việc Bộ để Lý Nhã Kỳ tự nguyện trang trải kinh phí các chuyến đi quảng bá cho du lịch. Bởi không được giao nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi tương ứng với công việc, thì việc quảng bá cho du lịch cũng đầy tính ngẫu hứng. Ths Trịnh Lê Anh - khoa Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, ĐH KHXH&NV bày tỏ: "Cơ quan nhà nước chủ trì việc chọn đại sứ du lịch cấp quốc gia thì phải có đầu tư cho danh vị này. Nghĩa là phải chăm sóc, tạo điều kiện cho hình ảnh ấy về vật chất lẫn tinh thần để lúc nào cũng tươi, đẹp. Điều này thể hiện thông điệp của slogan: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận". Hơn nữa, Bộ VHTT&DL đưa ra các tiêu chí tuyển chọn đại sứ du lịch, nhưng không tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia... chưa phải là tốt. Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận xét: Đã có tiêu chuẩn chưa thật sự phù hợp, hay nói cách khác là quá khó. Với yêu cầu "Có khả năng vận động tài chính, phục vụ cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam", rất ít người dám khẳng định có thể làm được. Đấy là chưa kể, ứng viên xác định làm du lịch vì say mê, còn nhà quản lý coi đó như làm nghề, rất mâu thuẫn. Vậy nên tiêu chí gắn với tài chính này chỉ nên là ưu tiên khi xét chọn đại sứ. Chọn ai cho xứng? Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của đại sứ được các chuyên gia du lịch coi trọng là yêu du lịch, am hiểu văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Và đại sứ còn cần có khả năng truyền tải tình yêu của mình đến với bạn bè quốc tế để họ biết và muốn đến mảnh đất hình chữ S. Nhìn từ góc độ văn hóa, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, đại sứ du lịch phải có trình độ học vấn, hiểu biết sâu về nhiều mặt văn hóa, mang tâm hồn dân tộc nhưng hiện đại và khả năng ngoại giao. Như vậy, để tìm ra được một đại sứ du lịch không hề đơn giản. Song người ta hy vọng, khi Bộ VHTT&DL đã rõ ràng được những tiêu chí hợp lý, gương mặt đại sứ du lịch được chọn sẽ thực sự xứng đáng và đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Ông Trịnh Lê Anh bày tỏ, bên cạnh việc ngồi chờ hồ sơ, Bộ VHTT&DL nên chủ động tổ chức cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia với các tiêu chí rõ ràng. Một cách nữa là tôn vinh các hoa hậu bằng việc đề nghị họ tham gia thi tuyển thêm một vòng (về khả năng tiếng Anh, hùng biện, giới thiệu về văn hóa - du lịch của đất nước). Hơn nữa, hoa hậu còn có lợi thế được nhiều người biết đến, đã quen với các hoạt động xã hội và nói trước công chúng.Và như một người làm du lịch trong nước phân tích, đại sứ du lịch nên là người luôn thể hiện được tinh thần hiếu khách của dân tộc, được biểu đạt rõ nét qua hình ảnh nhận diện. Người này phải có hiểu biết xã hội rộng, tham gia các hoạt động xã hội, có trải nghiệm, có một việc làm cụ thể, hay một sản phẩm hoặc một câu chuyện liên quan đến quảng bá du lịch. Chẳng hạn, đó là người đại diện cho quê hương Đồng Tháp - nơi có loài hoa sen gắn liền với quốc hoa của Việt Nam; là người tạo ra sản phẩm du lịch cho đất nước...
Hoa hậu Đông Nam Á 2012 Diệu Hân đã nộp hồ sơ ứng cử đại sứ du lịch Việt Nam. |