Đại sứ Myanmar hối thúc Liên Hợp quốc can thiệp chấm dứt chính biến

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp quốc Kyaw Moe Tun, đã kêu gọi tổ chức này can thiệp để khôi phục nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á.

Lời kêu gọi trên được Đại sứ Kyaw Moe Tun nêu rõ trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 26/2, sau khi Đặc phái viên của Tổng thư ký Antonio Guterres về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, cảnh báo rằng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền Myanmar.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp quốc Kyaw Moe Tun.
Trong bài phát biểu, Đại sứ Myanmar Moe Tun đã hối thúc LHQ "sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết để phản đối chính quyền quân đội Myanmar", nhằm khôi phục dân chủ tại đất nước này.
“Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn việc đàn áp những người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ", Đại sứ Moe Tun nhấn mạnh.
Đại diện ngoại giao Myanmar tại LHQ đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng hiếm hoi từ các đồng nghiệp tại tổ chức này khi kết thúc bài phát biểu.
Cũng trong cuộc họp trên, Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar. “Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế không được công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar. Kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 là rõ ràng khi đảng NLD giành được 82% số phiếu” - bà Burgener nhấn mạnh.
Quân đội Myanmar đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử, nhưng chưa đưa ra thời gian tổ chức và thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Bà Burgener cũng cam kết huy động đủ áp lực quốc tế để "đảm bảo cuộc chính biến này sẽ thất bại".
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết, Washington “đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác” để cho quân đội Myanmar nhận thấy những hậu quả từ chính biến tại Myanmar.
Myanmar lâm vào tình trạng bất ổn sau khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 1/2, bắt giữ hàng loạt quan chức của chính quyền dân sự, bao gồm cả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Mặc dù các tướng lĩnh quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm cũng như cam kết tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới thay thế cho tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái bị họ cáo buộc có gian lận, các cuộc biểu tình phản đối chính biến vẫn diễn ra rầm rộ ở Myanmar ngày thứ 21 liên tiếp./.