Theo đó, quy định về phạm vi bảo vệ côn trình đường sắt đô thị trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau: Trong trường hợp phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị và hành lang an toàn đường bộ bị chồng lấn, cho phép khoảng cách giữa mép ngoài theo phương nằm ngang của hai công trình không nhỏ hơn 0,1 mét. Công trình nào xây dựng sau phải có các biện pháp gia cường cần thiết, đảm bảo tuyệt đối an toàn chung. Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án đường sắt đô thị, gặp trường hợp công trình di tích lịch sử - văn hóa không thể di dời hoặc phải đền bù giải tỏa đặc biệt khó khăn thì cho phép thu hẹp phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị tại vị trí đó theo quy định. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng công trình đường sắt đô thị sẽ là người ra quyết định và chịu trách nhiệm pháp luật về các trường hợp đặc biệt trên. Đồng thời, phải có các giải pháp kỹ thuật cần thiết để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho công trình. Về công tác bảo vệ công trình đường sắt đô thị, thông tư quy định rõ: Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị được quy định khác nhau tùy thuộc đường sắt đi trên cao, đi trên mặt đất hay đi ngầm; tùy thuộc quỹ đất và do cấp quyết định đầu tư tuyến đường sắt đô thị đó phê duyệt. Việc xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị phải thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn chạy tàu; thuận lợi trong công tác bảo trì và thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; tiết kiệm không gian và quỹ đất. Trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị, không được tự ý xây dựng công trình hoặc lắp đặt các thiết bị sử dụng cho mục đích khác; chiếm dụng không gian; thực hiện các hành vi xâm phạm đến sự ổn định, tuổi thọ công trình và an toàn chạy tàu. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hiện hữu nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị, chủ công trình phải thỏa thuận với cơ quan chủ quản tuyến đường sắt đô thị đó và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Đối với trường hợp đường sắt đô thị đi trên cao, có thể cho phép sử dụng tạm thời mặt đất và không gian phía dưới gầm cầu cạn đường sắt cho mục đích giao thông đường bộ nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; đồng thời phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11.