Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo chất lượng của kế hoạch cải cách hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cần nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Để góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước và người dân, tổ chức theo hướng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, ngày 22 thàng 6 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Theo đó, Cơ chế một cửa là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước; Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg, việc thực hiện Cơ chế một cửa, Cơ chế một cửa liên thông đã góp phần tích cực cải biến mối quan hệ giữa chính quyền và công dân, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính; tăng cường cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan hành chính, hạn chế tệ quan liêu, tiêu cực, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Thực tế triển khai, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, áp dụng bộ phận một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại qua việc trang bị phần cứng, phần mềm hạ tầng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ hành chính công trong giải quyết công việc cho công dân. Tuy nhiên vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế  sau:

Thứ nhất, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhìn chung còn thấp, mang tính hình thức; các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục tại các phòng chuyên môn bên cạnh bộ phận một cửa, một cửa liên thông (với số lượng giải quyết thủ tục còn lại ngoài các lĩnh vực trên). Điều này dẫn tới một thực tế là tồn tại nhiều bộ phận "một cửa" trong cùng hệ thống hành chính.

       

Thứ hai, các thủ tục hành chính được niêm yết, thực hiện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông còn ít so với thực tế số lượng thủ tục hành chính được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đã được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố; Việc niêm yết thủ tục tại bộ phận một cửa chưa kết nối nhuần nhuyễn với kết quả đã có của Đề án 30 và kiểm soát thủ tục hành chính dẫn tới hiện trạng công khai không đầy đủ số lượng, bộ phận cấu thành TTHC; niêm yết thủ tục hành chính đã lỗi thời, hết hiệu lực; quy định thời gian giải quyết TTHC còn tùy tiện, chỉ vào một số ngày làm việc trong tuần, gây khó khăn cho nhân dân khi đi làm TTHC.

       

Thứ ba, tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính còn thấp; Chưa xác định cụ thể danh mục thủ tục thực hiện liên thông; cơ chế, trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Điều này dẫn đến thực trạng việc tổ chức thực hiện thủ tục liên thông không cao, cùng một quy định thủ tục hành chính thống nhất nhưng khi triển khai ở địa phương khác nhau, đơn vị hành chính lãnh thổ khác nhau thì quy trình, thời hạn, cách thức, số lượng thực hiện thủ tục hành chính là khác nhau. Vì vậy, nhiều địa phương đã trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị thành lập Trung tâm Dịch vụ Hành chính công tỉnh hoặc mô hình Văn phòng phát triển kinh tế với mục tiêu là cung cấp thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh thực hiện liên thông giải quyết thủ tục. 

         

Như vậy, cần một số giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, chúng tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cần nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

           

Ứng dụng tin học trong quản lý hành chính Nhà nước như cần xây dựng phần mềm điện tử dùng chung áp dụng tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp theo hướng kết nối với bộ thủ tục hành chính đã được công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; có tiện ích tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, định vị hồ sơ đang được xử lý ở cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết; từng bước phát triển phần mền giải quyết TTHC trực tuyến cho cá nhân, tổ chức.

         

Đề xuất những công việc có thể ủy quyền cho cán bộ ở Bộ phận một cửa được phép quyết định, giải quyết ngay. Trước mắt có thể tổ chức thực hiện thí điểm tại một số địa phương trên cơ sở đó tổng kết để hoàn thiện thể chế quy định về vấn đề này để nhân rộng trong phạm vi toàn quốc, hạn chế dần tình trạng "văn thư" tại bộ phận một cửa.

         

 Nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức và thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính.

         

 Phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận cán bộ, công  chức, viên chức đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo và nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ được phân công nhiệm vụ.

           

Thường xuyên kiểm tra quản lý tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với các cán bộ công chức, viên chức.

           

Cải cách về thể chế văn bản thủ tục hành chính. Cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát các thủ tục hành chính lien quan và sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các thủ tục không cần thiết.

             

Tiếp tục thực hiện tốt năm kỷ cương hành chính làm tiền đề cho những năm tiếp theo, đảm bảo chất lượng của kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt được, nhiệm vụ phải làm và trách nhiệm của từng cá nhân trong bộ máy chính quyền. Đồng thời phải đánh giá trung thực khách quan những việc đã và chưa đạt được của từng bộ phận, từng cán bộ.