Đề án cải cách tiền lương đã được đưa ra rất nhiều năm nay mà chưa thực hiện được. Vậy, Bộ Nội vụ đang tham mưu như thế nào để cải cách tiền lương, giúp cán bộ công chức Nhà nước có thể đảm bảo cuộc sống?
- Trước đây, chúng ta vẫn suy nghĩ cần nâng lương tối thiểu, nhưng tôi nghĩ đây không phải là cải cách tiền lương. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu xây dựng đề án cải cách tiền lương, trong đó xác định đầu tiên phải thay đổi từ nhận thức. Không phải cứ nâng lương tối thiểu là cải cách tiền lương, mà cải cách liên quan đến vấn đề cơ chế, tạo nguồn, về chế độ tiền lương hiện nay… Song, Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo tiền lương cho người công chức đó yên tâm làm việc, yên tâm phục vụ Nhân dân. Muốn cải cách đạt mục tiêu, trước hết phải thay đổi được nhận thức về việc trả lương và thay đổi cơ chế trả lương cho công chức, gắn với tính chất đặc điểm hoạt động của họ. Làm sao phân biệt được giữa người làm việc tốt và người làm không tốt; người làm việc tận tâm, hiệu quả thì phải được trả khác với người lười biếng, không đáp ứng được yêu cầu. Người làm việc không đáp ứng yêu cầu thì phải được đưa ra khỏi công vụ bằng chính sách tinh giản biên chế, để chỉ giữ lại những người làm việc tốt, thu hút người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào làm việc. Còn nếu vào làm công chức mà xác định để làm giàu thì rất dễ vi phạm dẫn đến bị kỷ luật, hoặc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm…
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn như vậy thì mới thay đổi được nhận thức trong cải cách tiền lương để vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước, vừa phù hợp khả năng của ngân sách, đồng thời phải cân đối sao cho công chức sống được bằng tiền lương của mình mà không phải lo nghĩ về “cơm, áo, gạo, tiền” rồi tìm cách sai phạm.
Cơ chế trả lương cho công chức mà Bộ đang nghiên cứu đề xuất cụ thể là gì, thưa ông?
- Hội thảo khoa học lần này được tổ chức cũng nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tranh thủ kinh nghiệm và trí tuệ của họ để đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất, để Bộ Nội vụ xây dựng, hoàn thành Đề án cải cách tiền lương và trình Chính phủ xem xét. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng nguồn công chức chất lượng cao “chảy” sang khu vực khác, cải cách tiền lương cũng phải có chính sách thu hút những người có đủ năng lực, có thực tài vào nguồn công vụ để phục vụ Nhân dân. Tôi cho rằng những người có tài năng thực sự thường không coi tiền lương là điều kiện đầu tiên để vào làm việc, mà quan trọng hơn, họ cần môi trường làm việc tốt để cống hiến. Để đảm bảo tiền lương cho công chức đủ sống và yên tâm làm việc, tôi nghĩ, đi liền với cải cách tiền lương cũng phải có giải pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, phòng chống biểu hiện vi phạm pháp luật để vụ lợi. Các giải pháp phải đồng bộ với nhau.
Cơ chế chi trả lương sẽ phải thay đổi như thế nào - vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng chứ không thể ngay lập tức. Đầu tiên phải xác định thay đổi được nhận thức, quan điểm về cải cách tiền lương, trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, gắn với cải cách hành chính, chúng ta mới đưa ra được các giải pháp thay đổi được chế độ tiền lương hiện nay.
Xin cảm ơn ông!