Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những phức tạp của vụ việc nêu trên, UBND huyện Thanh Oai đã thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc đòi đất của người dân 2 xã Bình Minh và Tam Hưng.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh việc UBND huyện Thanh Oai và UBND các xã Bình Minh, Tam Hưng cho các doanh nghiệp (DN) thuê đất của người dân với những thỏa thuận trái quy định và được chính quyền địa phương xác nhận nên đã gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Đầu năm 2014, UBND huyện Thanh Oai đã phát hiện sai phạm và đang tập trung tìm hướng giải quyết để DN, người dân cùng không bị "thiệt".

Trước những phức tạp của vụ việc nêu trên, UBND huyện Thanh Oai đã thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc đòi đất của người dân 2 xã Bình Minh và Tam Hưng. Đối chiếu với quy định của pháp luật về thu hồi, đền bù, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi tại thời điểm thỏa thuận, nhiều vi phạm đã bộc lộ rõ. Cụ thể, theo quy định của Điều 32, Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ căn cứ vào Quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng, UBND cấp tỉnh hoặc huyện tùy quy mô dự án (DA) thì chính quyền các cấp phải thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại GPMB. Nhưng, quy định này đã không được UBND huyện Thanh Oai thực hiện khi GPMB các DA. Chính vì vậy, những thỏa thuận thống nhất "đền bù hoa màu đến năm 2013" ra đời  và được xác định chỉ là cách làm cảm tính của các bên vì theo Nghị định 22 và Thông tư số 145/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính, phạm vi đền bù thiệt hại phải bao gồm cả thiệt hại về đất và hoa màu. Bên cạnh đó, Thông tư 145 chỉ cho phép chủ DA được thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi đối với những DA nhỏ, đơn giản, có diện tích thu hồi dưới 0,5ha (5.000m2), trong khi đó, các DA nêu trên có diện tích nhỏ nhất cũng hơn 7.000m2.         
Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - Công nghệ kinh tế Simco Sông Đà nằm trong những dự án hết thời hạn thuê đất ở Thanh Oai.
Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - Công nghệ kinh tế Simco Sông Đà nằm trong những dự án hết thời hạn thuê đất ở Thanh Oai.
Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phạm Đình Phùng cho biết, năm 2002 - 2003, DN, UBND xã và người dân thống nhất thỏa thuận thu hồi hơn 42.000m2 để thực hiện các DA trước khi UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định 563-QĐ/UB. Ngay sau khi DN đi vào hoạt động, các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi kiến nghị đòi hỗ trợ tiền và thời điểm này, sự việc đã được các bên thống nhất giải quyết nhưng không dứt điểm. Do vậy, đầu năm 2014, người dân tiếp tục đến trụ sở UBND huyện và cơ sở sản xuất của các DN kiến nghị đòi đất, đòi hỗ trợ tiền. 

"Trước những đòi hỏi vô lý của người dân, UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền để họ hiểu rõ chính sách của Nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ GPMB, nhưng một số trường hợp vẫn không đồng ý. Việc làm của người dân trong thời gian qua đã gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và người lao động. Không những vậy, còn làm giảm nguồn thu thuế của Nhà nước" - ông Phùng  nói. 

Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thừa nhận, sau khi người dân kiến nghị đòi đất, UBND huyện đã thành lập tổ công tác thanh, kiểm tra và phát hiện một số DA tuy có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND huyện thời kỳ này không thành lập Hội đồng đền bù và phương án đền bù thiệt hại GPMB là không đúng quy định. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu UBND xã Bình Minh và xã Tam Hưng tăng cường vận động, tuyên truyền về công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để người dân hiểu, nhận thức đúng bản chất vấn đề, tránh để kẻ xấu lợi dụng. Mặt khác, UBND huyện yêu cầu UBND xã Bình Minh và Tam Hưng hủy bỏ văn bản đã xác nhận trái quy định cho người dân thời điểm năm 2002 - 2003. 

 "Sai phạm này tồn tại nhiều năm qua lỗi do DN, UBND các xã và người dân thỏa thuận không đúng quy định. Để khắc phục tồn tại, UBND huyện cùng các sở, ngành liên quan đã tập trung làm rõ việc đòi đất của người dân. Đồng thời, đề xuất với UBND TP hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như DN để sớm ổn định tình hình" - ông Lê Tuấn Anh khẳng định.