Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Muốn tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn (NT), đảm bảo an sinh xã hội, công tác khuyến công của Thành phố (TP) tới đây cần được triển khai đúng đối tượng, không chạy theo số lượng, trên cơ sở khảo sát thực tế để lựa chọn hỗ trợ những làng thực sự có thị trường và khả năng nhân cấy nghề…".

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đào Thu Vịnh nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Kế hoạch khuyến công TP năm 2013 do Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp (CN) Hà Nội tổ chức ngày 13/3.

Tạo ra 8.000 việc làm cho lao động nông thôn

Trên cơ sở Kế hoạch Khuyến công TP năm 2013 của UBND TP, Sở Công Thương Hà Nội vừa cụ thể hóa thành 5 mục tiêu, gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (GTSX CNNT) đóng góp 22 - 25% tổng GTSX CN - tiểu thủ CN toàn TP năm 2013; khuyến công góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) tăng 9 - 10% so với năm ngoái; cấy nghề tiểu thủ CN cho 90 làng chưa có nghề (mỗi làng 35 lao động) và mở 20 lớp truyền nghề cho các làng đã có nghề (mỗi lớp 35 lao động); tạo 300 sản phẩm TCMN có thiết kế mới từ các hoạt động khuyến công (như thi thiết kế mẫu sản phẩm, hỗ trợ DN tham gia hội chợ trong và ngoài nước…). Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất để đảm bảo an sinh xã hội thông qua chương trình khuyến công tạo thêm 8.000 việc làm cho lao động NT, trong đó 40% từ các chương trình cấy nghề, còn lại từ các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, tổ chức thi thiết kế mẫu…

Đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng - Ảnh 1

Hướng dẫn nghề sản xuất tăm hương cho nông dân xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Mừng

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển CN Hà Nội cho biết, triển khai kế hoạch này, năm 2013 Hà Nội sẽ tập trung vào 7 hoạt động chính. Trong đó, trọng tâm nhất là tổ chức cấy nghề, truyền nghề tiểu thủ CN, nhằm tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế NT, góp phần xây dựng NT mới. Trong đó, các đề án cấy nghề, truyền nghề sẽ gắn với DN, cơ sở sản xuất cụ thể để bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những làng thuộc các xã đang xây dựng NT mới, chú trọng những nghề TCMN có tiềm năng ở thị trường trong nước và XK.

Nhấn mạnh hoạt động cấy nghề và truyền nghề, bà Đào Thu Vịnh yêu cầu cán bộ làm công tác khuyến công cần xác định, năm nay phải đạt tối thiểu 400 làng thuần nông trên toàn TP được cấy nghề. "Cần chọn những làng có khả năng tiếp nhận nghề và nhân cấy, có thị trường thực sự để hỗ trợ, cùng với đó thường xuyên kiểm tra, tư vấn thành lập DN, cơ sở SX, trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ khuyến công và cán bộ kinh tế huyện, xã...", bà Vịnh khẳng định.

Mong tháo gỡ khó khăn

Theo phản ánh từ nhiều DN CNNT, việc được hỗ trợ chi phí thuê gian hàng khi tham gia hội chợ trong nước mới giúp họ giải quyết được một phần rất nhỏ khó khăn. Mặc dù DN đã nhiều lần đề nghị TP hỗ trợ thêm phần chi phí vận chuyển hàng tham gia hội chợ, song đến nay chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, một số lớp đào tạo sau cấy nghề chưa bố trí được nhiều việc làm cho lao động vì chưa có DN hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, khiến một số làng sau khi được cấy nghề hiệu quả thấp như 2 lớp cấy nghề mộc dân dụng tại thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn) và 2 lớp cấy nghề gốm sứ thôn Thuận Tôn và Trung Quan (huyện Gia Lâm). Đáng chú ý, quá trình xây dựng kế hoạch khuyến công TP chưa mạnh dạn vận dụng và mở rộng các nội dung trong Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, cũng do thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan chưa kịp thời.

Ông Đinh Trí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên chia sẻ: Địa phương mong nhận được hướng dẫn cụ thể hơn từ Sở Công Thương cũng như các cơ quan chức năng trong triển khai kế hoạch khuyến công, để những dự án liên quan sớm đi vào cuộc sống, đồng thời tạo thuận lợi cho các DN CNNT tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, "TP đang quyết liệt xây dựng NT mới, nên chúng tôi mong có nhiều chương trình lồng ghép chủ trương này vào công tác khuyến công, nhất là mảng tiểu thủ CN - làng nghề, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân", ông Quân nhấn mạnh.

"Làng nghề tuy là nơi có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, song tiềm năng phát triển rất khả quan, bởi ở đó lưu giữ nhiều tinh hoa nghề lâu đời. Do vậy, để làng nghề phát triển, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, công tác đào tạo nghề cho DN NT cần được TP hỗ trợ hơn nữa, khi đó mới giúp nghề và công nhân lành nghề không bị mai một..."

Hà Thị Minh Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, Giám đốc Công ty gốm sứ Quang Minh