Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Hội nghị Doanh nghiệp thành phố Hà Nội năm 2013” diễn ra hôm nay (22/3) đã trở thành diễn đàn “nóng” cho đại diện đông đảo cộng đồng DN Thủ đô cùng chính quyền và các sở, ban, ngành TP Hà Nội trực tiếp gặp gỡ và chia sẻ khó khăn vướng mắc, đồng thời, mạnh dạn đề xuất kiến nghị nhằm đi tới “tiếng nói chung” vì một nền kinh tế Thủ đô phát triển…

Doanh nghiệp: Mong được củng cố niềm tin với chính quyền

Tại hội nghị, đại diện UBND TP Hà Nội công bố 6 nhóm giải pháp cơ chế chính sách sẽ triển khai trong năm nay nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN trên địa bàn: Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy SXKD; thực hiện các chính sách tài khóa; tháo gỡ thị trường bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư, SXKD và nâng cao chỉ số PCI của TP; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của TP, cổng giao tiếp điện tử TP và website của các sở, ngành. Để triển khai kế hoạch này, UBND TP Hà Nội thành lập riêng một ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, các phó chủ tịch UBND TP làm Phó ban, Giám đốc Sở KH&ĐT làm thường trực và lãnh đạo các sở, ngành làm thành viên.

Nhiều DN phản ánh, các cơ chế chính sách này là nguồn động viên lớn với họ trong bối cảnh 2 năm qua phải chịu rất nhiều khó khăn thách thức do khủng hoảng kinh tế mang lại. Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường, TP Hà Nội sẽ dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nguồn vốn này tuy không đáng kể nhưng thể hiện sự sẻ chia rất đáng trân trọng của chính quyền TP Hà Nội giúp họ phần nào giải quyết hàng tồn kho - vốn đang là khó khăn lớn nhất.

 
Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng - Ảnh 1
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao Cờ thi đua xuất sắc cho các doanh nghiệp có thành tích năm 2012. Ảnh: Anh Quý

Tuy nhiên, những nguồn vốn hỗ trợ tương tự như vậy liệu sẽ được triển khai, phân bổ như thế nào để kịp thời và đúng đối tượng, đó là thắc mắc nghi ngại của nhiều DN. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi mà gần đây, niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh, vào khả năng lãnh đạo điều hành của chính quyền tại nhiều nơi đang suy giảm. Trong đó không thể không đáng lo khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2012 vừa được công bố cho thấy, PCI của Hà Nội đã giảm tới 15 bậc so với năm 2011. DN cho rằng, dù có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng chính quyền TP cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này để có những cải cách hành chính trong thời gian sớm nhất, mới mong tạo dựng lại niềm tin nơi DN.

Về chuyện “niềm tin của DN”, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội đại diện cho hơn 600 DN trẻ toàn TP thẳng thắn: Hà Nội cần học hỏi cách làm của nhiều tổ chức nước ngoài, đó là tại các kỳ hội nghị gặp gỡ DN đều phải có riêng một văn bản thống kê có bao nhiêu kiến nghị của DN tại hội nghị trước, và bao nhiêu kiến nghị trong số đó đã được cơ quan chức năng tiếp thu và giải quyết cụ thể đến đâu… Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đã đưa ra thì phải triển khai kịp thời và đúng đối tượng, có sự tổng kết về kết quả hỗ trợ một cách minh bạch như các tổ chức nước ngoài thì chính sách đó mới thực sự hiệu quả. “DN rất mong chính quyền TP làm được những điều này, giúp chúng tôi củng cố lại niềm tin”, ông Vương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao tiếp tục là phản ánh của nhiều DN tại hội nghị. “Tiếp cận vốn vẫn là vướng mắc lớn nhất của DN hiện nay, nhất là những DN vừa và nhỏ càng khó khăn về tài sản đảm bảo. Không chỉ các ngân hàng, mà thậm chí cả Quỹ hỗ trợ tín dụng bảo lãnh của TP cũng quy định DN phải thỏa mãn điều kiện này. Nếu chúng tôi có đủ tài sản đảm bảo thì đã đến thẳng nhà băng chứ cần gì phải qua Quỹ tín dụng bảo lãnh! Đây chính là bài toán vòng vo mà từ lâu chưa có lời giải, nên tới đây TP cần tập trung nghiên cứu để sớm có hướng tháo gỡ”, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP: Lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với DN

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định thời gian gần đây dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nội năm 2012 vẫn đạt tăng trưởng kinh tế trên 8%, đó là do có sự đóng góp tích cực của các DN. Trong đó, đáng quý nhất là nhiều DN dù chỉ quy mô vừa và nhỏ nhưng đã vượt được sóng lớn, duy trì tốt SXKD, giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội. Không những thế, DN còn có nhiều đóng góp cho chính quyền nhằm xây dựng chủ trương chính sách, giúp lãnh đạo TP có cách nhìn nhận thực tế và chính sách kịp thời.

 
Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng - Ảnh 2
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao Cờ thi đua xuất sắc cho các doanh nghiệp có thành tích năm 2012. Ảnh: Anh Quý

“Tuy nhiên, việc chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống sớm hay muộn, có độ “trễ” lớn hay nhỏ còn do hai mặt của vấn đề: Các ngành, các quỹ mong chính sách sớm được triển khai, nhưng ngược lại DN phải biết đón nhận cho đúng. Một ví dụ gần đây nhất là TP đã ban hành chính sách giải quyết tồn kho cho DN bất động sản bằng cách chuyển các căn hộ thành nhà tái định cư, song UBND TP Hà Nội thông báo đã cách đây một tháng mà đến nay vẫn chưa DN nào đăng ký”, ông Thảo nói.

Thẳng thắn nhìn nhận về việc PCI của Hà Nội vừa bị giảm 15 bậc, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Tới đây lãnh đạo TP sẽ ngồi lại phân tích kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, đồng thời tổ chức hội nghị gặp gỡ DN ngay trong tháng 4 tới để lắng nghe những góp ý từ phía DN, xem chính quyền đã có những thiếu sót gì. Tiến tới Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn DN sẽ mời thêm đại diện các hiệp hội DN để làm thành viên, có đường dây nóng thường xuyên giải đáp ý kiến từ DN và định kỳ 3 tháng gặp gỡ DN 1 lần, trong đó cuộc gặp mặt tháng 4 này sẽ là cuộc gặp đầu tiên với DN trong năm 2013 để tháo gỡ những kiến nghị cụ thể, cá biệt của DN.