Đảm bảo nguồn cung hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Cam kết bình ổn thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để không thiếu hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 các DN bán lẻ Hà Nội đã chủ động chuẩn bị hàng hóa. Đó là khẳng định của các DN tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Đảm bảo nguồn cung hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021" do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 15/12.

 Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Duy Khánh
Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị
Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngành công thương đã chỉ đạo các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2020.

Nói về việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2020 Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch dự trữ lượng hàng thiết yếu tăng gần 2 lần so với các tháng trong năm. Đến nay Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu, phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Đồng tình với ý kiến này, Trưởng ban đối ngoại Marketing - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin: Dịp cuối năm, Tết Nguyên đán là cơ hội để DN tăng doanh thu nên Hapro đã xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó dành 200 tỷ đồng dự trữ 8 nhóm mặt hàng Bình ổn thị trường như: Gạo tẻ, Thịt lợn, Trứng gia cầm, thủy – hải sản, dầu ăn, thực phẩm chế biến. Đồng thời chú trọng đến những sản phẩm mang thương hiệu Hapro như: Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; các sản phẩm rượu vang Thăng Long... “Đồng thời tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành đưa đặc sản vùng miền như: Miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La; hoa quả của Yên Bái, Hà Giang” - bà Hiền nêu rõ.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Đẩy mạnh chống hàng lậu - hàng giả những tháng cuối năm

Tại buổi toạn đàm, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: Lợi dụng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong Tết Nguyên đán tăng cao các đối tượng sản xuất, buôn bán lậu, hàng giả... đã trà trộn, đưa ra lưu thông trên thị trường. Trong đó tập trung ở các nhóm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân như: Quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, bột ngọt, các mặt hàng điện tử, điện lạnh…

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, trong những tháng cuối năm và Tết Tân Sửu, căn cứ Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT của Tổng cục QLTT về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục QLTT TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 18/KH-QLTTHN về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, lực lượng QLTT Hà Nội đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì... “Mới đây, ngày 3/11, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (KCN Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp) đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến 124.101 chiếc quần, áo thành phẩm” - ông Hùng nêu ví dụ.

Thông tin thêm về hoạt động chống buôn lậu, hàng giả những tháng cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu, đại diện Cục QLTT Hà Nội chia sẻ: Lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. “Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả gắn liền với mục tiêu ổn định kinh tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN làm ăn chân chính trong thời điểm cuối năm” - ông Hùng nhấn mạnh.
Hapro là một trong số ít các DN tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, sau hơn 10 năm triển khai, Hapro đã tổ chức được gần 1.300 chuyến hàng theo mô hình Chợ Tết, bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu chế xuất. Tuy nhiên, hiện các chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, DN không nhận được hỗ trợ chi phí của TP như trước đây nữa nên DN nhỏ sẽ khó thực hiện bởi hoạt động này hầu như không có lãi. Vì vậy, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối tại những khu vực này, thay vì những chuyến hàng mang tính chất "giải cứu", "thời vụ" như hiện nay.

Trưởng ban đối ngoại Marketing Hapro Nguyễn Thị Thu Hiền