Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về triển khai công tác ứng phó với bão số 14 (bão Haiyan).

Đảm bảo tiêu thoát úng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 14, từ chiều tối ngày 10/11 đến ngày 12/11 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có TP Hà Nội có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, gió trên đất liền cấp 6, cấp 7.

Trước diễn biến này, theo Ban Chỉ đạo PCLB TP, dự kiến những tình huống có thể xảy ra trên địa bàn Hà Nội như mưa gió trên gây đổ cây, ngập úng khu vực nội thành, ách tắc giao thông, úng ngập trên diện rộng ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông, cây ăn quả, các diện tích nuôi trồng thủy sản. Thậm chí ở vùng núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đối với các công trình xây dựng dở dang, nhà cửa xây dựng từ lâu, xuống cấp có thể bị tốc mái, hư hại. Những khu vực trũng thấp có thể bị chia cắt.

 
Công nhân Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm ngập của TP Hà Nội đợt mưa ngày 8/8. Ảnh Văn Chiến
Công nhân Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm ngập của TP Hà Nội đợt mưa ngày 8/8. Ảnh Văn Chiến

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 4 điểm xung yếu đê điều là Xuân Canh, Long Tửu - Tả sông Đuống; Thanh Am, Tình Quang - Hữu sông Đuống; Liên Mạc - hữu sông Hồng; Yên Sở - hữu sông Hồng.

Ngoài ra diện tích cây trồng vụ Đông của TP đạt cao, gần 50.000ha. Trong đó các huyện có diện tích lớn như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Nếu mưa trên 300mm thì vụ đông có thể xóa sổ. Trong khi đó, tỷ lệ nhà cấp 4 ở ngoại thành cao, đây cũng là một vấn đề nếu xảy ra bão to, giật cấp 10, 11 có vấn đề. Còn trong nội  thành, với các nhà mái tôn, mưa to gió lớn có thể giật bay xuống đường, ảnh hưởng đến tính mạng người dân đi trên đường. Điều này đã xảy ra trong năm 2006-2008.

Hiện nay, các công ty thủy lợi đã cho mở cống tiêu để tiêu kiệt nước đệm trên hệ thống tiêu. Đến nay các trục tiêu và các tuyến kênh tiêu mực nước đã xuống thấp. Các trạm bơm tiêu đã sẵn sàng vận hành tiêu nước cho cây trồng vụ đông và các khu dân cư khi có mưa lớn xảy ra. Hệ thống tiêu úng ngoại thành hơn 400 trạm bơm, 1.600 máy bơm các loại. Toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị đã được sửa chữa, sẵn sàng vận hành.

Về tình hình tiêu thoát nước trong khu vực nội thành, hồ điều hòa Yên Sở đã hạ mực nước xuống cao trình +1,5m. Tất cả các trạm bơm tiêu thoát đều đã sẵn sàng vận hành 100% công suất. Các công trình, dự án ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trên hệ thống đa được thanh thải theo thỏa thuận thoát nước, đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước.

Sẵn sàng phương án ứng phó

Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 14. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo gia cố các công trình giao thôgn trên địa bàn. Đồng thời, ra thông báo cấm các đò ngang, đò dọc hoạt động, không cho tàu thuyền neo đậu ở nguy hiểm và cấm các thuyền hoạt động trên hồ Tây, Trúc Bạch

Sở Xây dựng đã có phương án giao cho các đơn vị, đầu mối theo dõi chặt chẽ diễn biến bão. Đồng thời lên phương án chống úng ngập nội thành. Hiện nay, mực nước của 54 hồ trong nội thành đã được bơm giảm xuống mức thấp nhất để sẵn sàng phục vụ bơm tiêu úng. Những khu vực nguy hiểm đã được đặt cảnh báo. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã chỉ đạo, giao cho thanh tra xây dựng cùng UBND quận, huyện phối hợp kiểm tra các công trình xây dựng, các nhà ở nguy hiểm trên địa bàn nội thành.

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, từ 8 giờ sáng nay đơn vị này đã triển khai phương án PCLB. Trong đó kiểm tra, xử lý, chuẩn bị phương án cấp điện toàn TP, nhất là ưu tiên cho các trạm bơm tiêu.

Về chuẩn bị hàng hóa dự trữ đề phòng mưa bão, Sở Công Thương đã chuẩn bị bố trí nguồn dự trữ cho 4 doanh nghiệp, trự trữ 6 mặt hàng là dầu ăn, ngũ cốc, nước sạch, nến, thực phẩm chế biến (thịt, cá), gạo. Các doanh nghiệp cam kết đảm bảo đủ lượng dự trữ. Khi có diễn biến xấu xảy ra sẽ cung cấp đủ. Trong buổi sáng nay, Sở Công Thương cũng triển khai kiểm tra hoạt động này.

Công an TP đã yêu cầu 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực. Đồng thời giao cho Trưởng công an quận, huyện, thị xã tham mưu với Ban Chỉ huy PCLB địa phương lên phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã rà soát phương án, các quận, huyện thị xã rà soát lực lượng, phương tiện. duy trì trực ban báo cáo kịp thời.

Sở Y tế đã chuẩn bị dự trữ 11,5 tấn hóa chất khử trùng và 100 máy phun sẵn sàng tổ chức ứng phó sau bão.

Về phía các địa phương, từ ngày hôm qua nhiều quận, huyện, thị xã cũng đã triển khai công tác ứng phó với mưa bão. Tại Quận Hoàng Mai,  triển khai ứng trực từ 12 giờ trưa ngày 9/11. Trên địa bàn quận còn 300ha cá chuẩn bị thu hoạch nên chính quyền địa phương đã vận động nhân dân đăng lưới. Đồng thời lên phương án sơ tán dân ở các khu tập thể cũ có nguy cơ mất an toàn như Thịnh Liệt, Giáp Bát... Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho biết, tất cả hệ thống tiêu trên địa bàn huyện gồm 3 hồ đồng Sơn, Miễu, Quan Sơn đã được cải tạo. Ngoài ra 37 trạm bơm tiêu sẵn sàng vận hành, bảo vệ gần 4.000ha cây vụ Đông.

Tại cuộc họp các sở, ngành đề nghị các quận, huyện, thị xã chuẩn bị tốt lực lượng, vật tư tại chỗ để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra do mưa bão.
Chủ tịch UBND tP Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo hội nghị phòng chống báo HAIYAN
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phòng, chống bão số 14. Ảnh: Anh Quý

Tổ chức trực ban 24/24

Bão số 14 là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng lớn. Do đó, Ban Chỉ đạo PCLB T.P yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện công điện của BCĐ TP triển khai phóng chống bão, coi đây là trọng tâm PCLB trong năm. Đối với các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sóc Sơn cần tiến hành sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm ngay trong ngày hôm nay.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đề nghị các địa phương lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những vùng trọng yếu có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, khu dân cư. Đồng thời đảm bảo an toàn công trình, trong đó công trình đê điều, thủy lợi. Cùng với đó, nếu diễn biến phức tạp như mưa to, sẽ xảy ra tình huống vừa mưa lớn, nước sông lên cao và xả lũ thủy điện. Do đó vấn đề đảm bảo an toàn vùng bãi như thế nào cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, thời điểm này hết mùa mưa bão, lực lượng ở địa phương đi hết, việc huy động "4 tại chỗ" sẽ gặp khó khăn. Các địa phương cần tập trung lưu ý vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị các ngành, địa phương hết sức tích cực chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan. Trong đó tổ chức trực ban 24/24 giờ và phân công hệ thống cán bộ xuống từng địa bàn, theo dõi bám sát tình hình. Mục tiêu số một là đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Chủ tịch UBND TP yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực cần sơ tán dân cư, neo chống nhà cửa. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước TP nếu có nhà sập.

Đồng thời, đảm bảo lương thực thuốc men, điện, nước, tiêu dùng cho người dân. Cách làm phải linh hoạt, quyết định tại chỗ. Ngoài ra, tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Trong khu vực nội thành, các ngành, đơn vị, quận triển khai rà soát, nắm các trọng điểm ngập úng, có phương án xử lý., cắt tỉa cây xanh... Đồng thời kiểm tra đường dây điện, đường dây thông tin và tổ chức phân làn giao thông khi tình huống xảy ra, cảnh báo nguy hiểm nhất là sông Sét, Kim Ngưu… Trong trường hợp cần thiết, huy động cả lực lượng thanh niên.

Đối với khu vực ngoại thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các sạt lở, xung yếu, xử lý các sự cố đê điều. Quan trọng nhất là bơm tiêu úng...