Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo tính trang nghiêm trên “công đường”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trang phục của thẩm phán cũng như việc đổi mới mô hình tổ chức các phiên tòa ở Việt...

Kinhtedothi - Trang phục của thẩm phán cũng như việc đổi mới mô hình tổ chức các phiên tòa ở Việt Nam là vấn đề được các nhà làm luật quan tâm tại Hội thảo “Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm TAND và mô hình phòng xét xử” do TAND Tối cao tổ chức mới đây.

Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự T.Ư: 

Nên bỏ vành móng ngựa
Đảm bảo tính trang nghiêm trên “công đường” - Ảnh 1Tại các phiên tòa, bị cáo chưa được coi là có tội nên không thể để họ mặc quần áo phạm nhân, bị cùm tay chân, đứng trước vành móng ngựa. Tôi đã tham quan các phòng xử án của nhiều nước. Hầu hết các phòng này không có vành móng ngựa, chỉ có bục khai báo. Bị cáo thường ngồi cạnh người bào chữa, ngồi ở đâu thì đứng dậy khai báo ở đó. Nếu bị cách ly, bị cáo thường ngồi ở phòng kính cường lực trong suốt, vẫn có thể giao tiếp bình thường.
Với mô hình phòng xử án, theo tôi, một bên là công tố viên, một bên là luật sư và bên cạnh luật sư là bị cáo. Luật sư và bị cáo phải được giao tiếp, hỗ trợ pháp lý cho nhau trong suốt phiên tòa, thực hiện chức năng gỡ tội. Có thể bố trí bị cáo ngồi trước bục xét xử hoặc đứng tại chỗ để khai vì bị cáo vẫn còn quyền công dân. Đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo có thể được cách ly bằng phòng kính trong suốt nhưng vẫn giao tiếp được. Khi bố trí phòng xét xử, lợi ích của các bên và trạng thái tâm lý của các bên tại phiên tòa cần được cân nhắc để bố trí chỗ ngồi hợp lý. Người có lợi ích đối lập thì không nên ngồi cạnh nhau, nguyên đơn không ngồi cạnh bị đơn, bị cáo không ngồi cạnh bị hại…
TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư: 

Xây dựng TAND thành biểu tượng công lý
Đảm bảo tính trang nghiêm trên “công đường” - Ảnh 2Trong một thời gian dài, TAND chưa được xác định rõ là cơ quan đại diện cho một nhánh quyền lực Nhà nước, nắm quyền tư pháp mà chỉ được coi là một trong các cơ quan bảo vệ pháp chế, bảo vệ pháp luật thông qua việc thực hiện các hoạt động xét xử và giải quyết các vụ việc. Mặc dù coi tòa án là “công đường” nhưng nhận thức về tòa án, vị trí và vai trò của tòa án còn mờ nhạt; dẫn đến sự đầu tư, xây dựng TAND thành biểu tượng công lý chưa được quan tâm đúng mức. Việc Hiến pháp thừa nhận TAND là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp” là sự kiện đặc biệt không chỉ đối với các cơ quan TAND mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền chính trị, pháp lý của nước ta. Từ sự thừa nhận đó, cần phải đổi mới toàn diện để xây dựng TAND thực sự thành biểu tượng công lý, chỗ dựa của Nhân dân, là nơi thâm nghiêm theo đúng nghĩa “pháp đình” của Nhà nước.
Ông Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng TAND Tối cao: 

Thẩm phán sẽ mặc áo thụng đen
Đảm bảo tính trang nghiêm trên “công đường” - Ảnh 3Trang phục xét xử riêng cho thẩm phán là điều cần thiết, bởi trang phục xét xử hiện nay (veston tối màu hoặc quần âu tối màu, sơ mi trắng, cà vạt) cũng là màu sắc thông dụng của trang phục công sở, trường học. Bộ trang phục này chưa giúp phân biệt được thẩm phán với số đông những người khác, nên chưa thể hiện được tính trang nghiêm, đặc thù trong công tác xét xử. Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có trang phục riêng đặc thù cho đội ngũ thẩm phán.
Theo Đề án, khi xét xử, các thẩm phán sẽ sử dụng trang phục làm việc thông thường nhưng có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Đây cũng là trang phục tương đối phổ biến của nhiều quốc gia. Về trang phục xét xử của hội thẩm, vì hội thẩm là người đại diện cho Nhân dân tham gia vào việc xét xử của tòa, do vậy, trang phục của hội thẩm không cần phải giống với trang phục của thẩm phán.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: 

Tạo sự tôn nghiêm của mô hình phòng xét xử
Đảm bảo tính trang nghiêm trên “công đường” - Ảnh 4Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị việc bố trí lại chỗ ngồi cho LS, nhưng đến nay chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và nhiều cơ quan, trong đó có nhiều tòa án đã ủng hộ việc bố trí chỗ ngồi của LS ngang với chỗ ngồi của kiểm sát viên (KSV). Cụ thể, TAND TP Đà Nẵng đã thí điểm tổ chức sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi tại phiên tòa theo hướng này và nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Thay đổi chỗ ngồi sẽ nâng cao trách nhiệm của KSV trong việc bảo vệ quan điểm cáo trạng. LS hay người bào chữa ngang hàng với KSV sẽ có vị thế bình đẳng khi tranh luận tìm ra sự thật. Nếu thay đổi chỗ ngồi như vậy, bị cáo hoàn toàn có thể nhìn thấy sự bình đẳng của LS hoặc người bào chữa đang thực hiện chức năng gỡ tội cho mình. Chỗ ngồi chưa chắc làm nên công lý nhưng chắc chắn công lý sẽ dễ dàng được tiệm cận hơn khi những nhà làm luật, những người tiến hành tố tụng thay đổi tư duy, nhận thức về vị thế, vai trò của LS bắt đầu từ chỗ ngồi.