Phấn khởi sản xuất
Đến thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai thời điểm này, cánh đồng sau DĐĐT được quy hoạch lại khá bài bản với hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng thuận tiện cho sản xuất. Chị Đặng Thị Phương - thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu cho biết, gia đình chị có 7,5 sào ruộng, trước kia phân bố ở 7 thửa. Sau khi DĐĐT, nhà chị chỉ còn 1 thửa ruộng. "Trước đây, mỗi vụ cấy, nhà tôi mất 10 ngày mới xong nhưng đến nay chỉ còn 2 - 3 ngày" - chị Phương chia sẻ.
Toàn xã Cấn Hữu có hơn 400ha đất nông nghiệp. Cuối năm 2012, xã thực hiện thí điểm DĐĐT tại hai thôn Cấn Thượng và Thái Thượng với diện tích 280ha. Đến 21/2/2013 đã hoàn thành giao ruộng cho người dân, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, giảm so với trước là 7 - 10 thửa. Ông Hà Dũng Bằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cấn Hữu cho biết, DĐĐT đã trở thành cuộc "cách mạng" đổi mới phương thức sản xuất của người dân. Tất cả các thửa ruộng đều có đường giao thông ở hai đầu nên xe cơ giới, máy làm đất, gặt đập liên hợp hoạt động dễ dàng.
Máy gặt lúa trên diện tích dồn điền đổi thửa ở xã Cấn Hữu. Ảnh: Ngọc Vạn
Ngoài xã Cấn Hữu, trong năm 2012, UBND huyện Quốc Oai còn chọn hai xã là Nghĩa Hương và Thạch Thán để tiến hành làm điểm DĐĐT giai đoạn 1. Đây là ba xã có ruộng đất manh mún, bình quân 5,9 thửa/hộ, cá biệt một số hộ có tới 26 thửa ruộng. Đến đầu năm 2013, tổng diện tích đã DĐĐT của ba xã đạt là 557,59ha, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,2 thửa ruộng. Sau khi DĐĐT bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình kinh tế trang trại, điển hình là xã Cấn Hữu với diện tích 112,75ha, xã Nghĩa Hương 19,5ha.
Làm tốt việc tuyên truyền
Từ thành công tại ba xã điểm, huyện Quốc Oai tiếp tục triển khai DĐĐT tại 15 xã còn lại. Tổng diện tích đăng ký DĐĐT của 15 xã năm 2013 là 3.410ha, tăng 810ha so với kế hoạch của UBND huyện (2.600ha). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện DĐĐT ở các xã còn chậm so với kế hoạch. Đến nay, mới có 8 xã đã xây dựng xong phương án DĐĐT và quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng. Ông Nguyễn Công Bình - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, việc DĐĐT trên địa bàn huyện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do hoạt động của một số Tiểu ban DĐĐT ở thôn bước đầu còn lúng túng. Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự chỉ đạo tốt công tác này. Do đó, nhận thức của người dân về DĐĐT còn hạn chế, dẫn tới tình trạng còn một số hộ gia đình gây khó khăn trong quá trình thực hiện dồn đổi ruộng…
Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện đã yêu cầu Ban Chỉ đạo DĐĐT của huyện thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện DĐĐT trên địa bàn. Đối với các xã chưa phê duyệt phương án DĐĐT cần nhanh chóng khảo sát thực địa hiện trạng sử dụng đất, thống kê các loại đất, lập quy hoạch giao thông thủy lợi vùng chuyển đổi. Việc tổ chức DĐĐT phải đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tuân thủ đúng quy trình, không nóng vội chủ quan với phương châm "làm đâu được đấy".
Đặc biệt, người đứng đầu ở xã, thôn phải vào cuộc quyết liệt, sâu sát, giải quyết các phát sinh và dám chịu trách nhiệm trước dân. Trong đó phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ, trưởng thôn và chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Đây là lực lượng có tính chất quyết định tới sự thành công của chương trình DĐĐT, vận động gia đình và người thân tự nguyện nhận ruộng xấu, ruộng xa làm gương để người dân noi theo.