Đám cưới tập thể theo nếp sống mới: Giá trị cốt lõi giữ lửa hạnh phúc lứa đôi

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/4, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Quận ủy Ba Đình tổ chức “Ngày hạnh phúc”. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình Lễ hội đám cưới tập thể theo nếp sống mới dành cho 18 cặp đôi trẻ và 18 cặp đôi “Đám cưới vàng” năm 2017.

 
Những năm qua Đoàn Thanh niên các cấp từ TP tới cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động hàng nghìn cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm. Tổ chức Đoàn trực tiếp vận động và tổ chức các đám cưới theo nếp sống mới cho hàng trăm bạn trẻ tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó mô hình “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” là một trong những cách làm tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung.
 
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Chỉ thị số 11/CT-Th.U của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội đã nói lên tất cả. Với mong muốn xây dựng nếp sống văn minh trong đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ Thủ đô cùng nhau hướng tới xây dựng nếp cưới trang trọng, giản dị. Dịp này, chúng tôi tổ chức chương trình “Ngày hành phúc” năm 2017 dành cho 36 cặp đôi, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh; Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ; Góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí”.
 
Tham dự lễ cưới, các cặp vợ chồng trẻ hiểu được ý nghĩa của đám cưới thực sự không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà nằm ở tình cảm, tấm lòng chân thành của đôi vợ chồng, tình nghĩa của người con dâu, con rể đối với họ hàng hai bên. Qua giao lưu cùng các cặp đôi các cụ ông, cụ bà, các bạn trẻ hiểu được giá trị cốt lõi để giữ lửa cuộc sống vợ chồng vẫn là tình cảm yêu thương, sự hy sinh dành cho nhau.
 
Vui mừng, xúc động khi được tham dự Lễ cưới vàng, ông Diệu Thưởng và bà Đào Tuyết Loan ở số 2, hàng Bún, phường Trung Trực chia sẻ: "Ông bà  kết hôn năm 1962. Đến năm 1965 ông vào chiến trường và bị thương, rồi mất liên lạc với với bà 7 tháng liền. Đến cuối tháng thứ 8, bà gặp được ông ở viện 108 - nơi bà ra công tác. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với không ít gian lao, thử thách nhưng 55 năm từ khi hôn nhân, ông bà vẫn mãi kiên định một niềm tin, sự chung thủy trọn nghĩa vẹn tình". Không giấu nổi niềm xúc động, bà Loan tâm sự: "Công việc bận rộn cùng với những gian khổ, ác liệt của chiến tranh khiến chúng tôi như quên đi tất cả những niềm riêng, sự nhớ nhung vì thế cũng dường như vơi bớt. Nghèo đói về vật chất, thiếu thốn về tình cảm cũng không làm cho tình cảm của ông bà vơi cạn. Trải qua những gian khổ, ác liệt của chiến tranh, bom đạn, chúng tôi càng trân trọng hơn hạnh phúc gia đình bình dị. Sự nhường nhịn, sẻ chia cùng nhau sẽ giúp mọi khó khăn đều trở nên nhỏ bé... Hôn nhân không phải chỉ có tình yêu, mà còn cần cả tình thương, sự chia sẻ và phải luôn suy nghĩ tích cực về nhau, giải quyết xung đột một cách khéo léo và rộng lượng tha thứ cho lỗi lầm của người kia...có như vậy hôn nhân mới bền chặt”.
 
Cùng với các cặp đôi “Đám cưới vàng”, 18 cặp đôi trẻ cũng bước vào lễ đường đám cưới theo nếp sống mới. Họ là những cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đang sinh sống, làm việc trên địa bàn quận Ba Đình, gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
 
Quen nhau qua sự giới thiệu từ gia đình nhưng đến với nhau bằng sự tìm hiểu, yêu thương chân thành, Trần Võ Hoài Nam (28 tuổi) và Vương Thị Hoài Thu (24 tuổi) cùng ở phường Điện Biên nguyện sống với nhau cả đời. Hai bạn trẻ đã tự nguyện đăng ký tổ chức đám cưới theo nếp sống mới tiết kiệm, văn minh. Theo cặp đôi này, đám cưới không cần quá đình đám, hình thức cầu kì mà chỉ cần tổ chức hợp lí, đơn giản, đảm bảo nét đẹp của truyền thống dân tộc. Là một trong những nhân vật chính của buổi lễ, hai bạn trẻ ngập tràn hạnh phúc khi bước lên lễ đường trước sự chứng kiến của quan viên hai họ và đông đảo người dân Thủ đô. “Được tham gia đám cưới văn minh là cơ hội để hai vợ chồng mình giao lưu với các cặp đôi khác, các bạn trẻ, cũng như các cô, bác đã có hạnh phúc viên mãn. Qua đó, chúng mình được học tập bí quyết giữ lửa hạnh phúc, trải nghiệm những giây phút thiêng liêng trong sự kiện trọng đại của cuộc đời, và đặc biệt là đám cưới theo nếp sống văn minh. Đồng thời, mình cũng ý thức được rằng, hai vợ chồng mình sẽ là người tuyên truyền nếp cưới giản dị, văn minh đến đông đảo đoàn viên, thanh niên”, cô dâu Vương Thị Hoài Thu chia sẻ.
 
Dịp này, Ban Thường vụ Thành đoàn, Quận ủy Ba Đình- Hà Nội cùng các ban, ngành, đoàn thể dành tặng nhiều phần quà cho 36 cặp vợ chồng; Tặng chữ “Thọ” cho các cặp đôi “Đám cưới vàng”, chữ “Hạnh phúc” cho các cặp đôi trẻ.
“Ngày hạnh phúc” năm 2017 thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người tham dự, đặc biệt là 36 cặp đôi – những nhân vật chính của “Ngày hạnh phúc”. Đối với những cặp đôi “Đám cưới vàng” họ như được sống, được tận hưởng niềm vui hạnh phúc mà cách đây hơn 50 năm họ chưa được tận hưởng trọn vẹn. Đối với những cặp đôi trẻ, đây là sự khởi đầu đặc biệt tốt đẹp, ý nghĩa cho cuộc sống hôn nhân về sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần