Đàm phán bế tắc với Trung Quốc, Mỹ tìm đến nền kinh tế lớn ở châu Á

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa thương chiến leo thang với Trung Quốc, Mỹ đã xoay sang nhiều đối tác tiềm năng khác, trong đó có Ấn Độ.

Mỹ và Ấn Độ đang chạy đua tiến tới một thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kỳ vọng ký kết tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York vào cuối tháng 9 này.

Một thỏa thuận giữa hai nền dân chủ đông dân nhất thế giới sẽ là một chiến thắng đáng hoan nghênh đối với Tổng thống Trump, trong bối cảnh đàm phán thương mại với Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt. Ông Trump cũng dự kiến ​ký một thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới nhằm giảm thuế nông nghiệp của Nhật Bản.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Các nguồn thạo tin cho biết, thỏa thuận thương mại Mỹ-Ấn sẽ giảm một số mức thuế đối với sản phẩm của Mỹ, đồng thời khôi phục chế độ ưu đãi đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ. Giữa bối cảnh thương chiến leo thang với Bắc Kinh, Washington đã chuyển hướng sang   hầu hết các đối tác thương mại hàng đầu của nước này, trong đó có Ấn Độ.

Trước đó, ông Trump từng nhiều lần phàn nàn về mức thuế cao của Ấn Độ, bao gồm mức thuế 50% đối với xe máy Harley-Davidson. Mỹ cũng gặp vấn đề với các quy tắc đầu tư mới của Ấn Độ vào thương mại điện tử nhằm hạn chế cách các công ty như Amazon và Flipkart để hoạt động tại thị trường trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2027.

Ông Modi, giống như ôngTrump, đã sử dụng thuế quan để cố gắng thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, một phần quan trọng trong chiến dịch Made-In-India để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân Ấn. Foxconn - nhà cung cấp của tập đoàn Apple gần đây đã mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ để tránh thuế nhập khẩu 20% và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Dù vậy,thương mại song phương của Mỹ với Ấn Độ, ở mức 142 tỷ USD vào năm ngoái, chỉ là một phần nhỏ so với tương quan 737 tỷ USD trị giá thương mại Mỹ-Trung.

Những diễn biến này khác hẳn so với tình hình thương mại giữa hai nước vài tháng trước. Hồi tháng 6, Mỹ đã chấm dứt ưu đãi miễn thuế đối với hàng xuất khẩu Ấn Độ trị giá khoảng 5,7 tỷ USD theo chương trình Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP), bao gồm hóa chất, nhựa, hàng da và cao su và phụ tùng ô tô. Ấn Độ là nước hưởng lợi lớn nhất của GSP –hệ thống hỗ trợ các nước đang phát triển có từ những năm 1970. Ấn Độ đã đáp trả với mức thuế trả đũa cao hơn đối với 28 sản phẩm của Mỹ, bao gồm hạnh nhân, táo và quả óc chó. New Delhi là “bạn hàng” mua hạnh nhân lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch nhập khẩu tương đương 543 triệu USD, chiếm 50% xuất khẩu hạnh nhân của Mỹ trong năm 2018, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Các nguồn thạo tin cũng tiết lộ, đàm phán giữa New Delhi và Washington hiện tập trung vào yêu cầu của Mỹ rằng Ấn Độ giảm thuế nông nghiệp, bao gồm cả đối với hạnh nhân, thịt lợn, các sản phẩm từ sữa, anh đào, táo và các mặt hàng khác. Một quan chức Ấn Độ khác cho biết Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ gỡ bỏ các rào cản giá cao đối với các thiết bị y tế nhập khẩu của Mỹ.

Đổi lại, Ấn Độ muốn GSP được khôi phục thêm một vài năm nữa, nhằm thúc đẩy xuất khẩu giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu ngày càng chững lại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. New Delhi cũng muốn xuất khẩu nho sang Mỹ, trong Mỹ cũng đang tìm kiếm mức thuế thấp hơn đối với các sản phẩm điện tử cao cấp.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần