Trong khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã cảnh báo sẽ hạ mức tín nhiệm vàng AAA của Mỹ.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trên và chỉ ít giờ trước thời điểm phải nâng trần nợ công trong ngày 17/10, các nhà làm luật nước này đã tận dụng được cơ hội cuối cùng để tìm ra một thỏa thuận để tránh vỡ nợ. Các nghị sĩ Quốc hội đã làm việc suốt nhiều giờ liền nhằm thông qua một thỏa thuận để nước Mỹ không lâm vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Thỏa thuận này khi thông qua sẽ chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ kéo dài từ đầu tháng 10, đồng thời ngân sách để Nhà Trắng có thể chi sẽ kéo dài đến ngày 15/1/2014 và trần nợ được gia hạn đến 7/2/2014. Trong khi đó, sau nhiều ngày tham gia vào “trò chơi chính trị”, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã chấp nhận sẽ thông qua mọi văn bản mà Thượng viện đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ. Đây có thể coi là một thắng lợi của đảng Dân chủ sau hơn hai tuần Chính phủ phải đóng cửa.
Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán, dù sớm hay muộn, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ đi đến thỏa thuận về cắt giảm chi phí chi tiêu và nâng trần nợ công. Vì con số hơn 60% người Mỹ muốn thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay được công bố cuối tuần trước là hồi chuông cảnh báo các chính trị gia nước này. Nếu không biết dừng trò chơi chính trị đúng lúc, số phận chính trị của các nhà làm luật sẽ rơi vào vòng nguy hiểm trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014. Trên thực tế, không phải bàn cãi gì nhiều về hậu quả mà trần nợ công hiện đang ở mức 16.700 tỷ USD của Mỹ không được nâng lên có thể gây ra. Không chỉ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu "theo hiệu ứng đập tràn". Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cảnh báo nước Mỹ đang tiến tới "tình thế nguy hiểm" và tác động của nó với các nước đang phát triển sẽ càng ghê gớm... Đây có thể là sự kiện mang tính thảm họa không chỉ đối với thế giới đang phát triển, mà còn gây tổn hại cực kỳ to lớn đối với các nền kinh tế phát triển.
Trước đó, hãng tin Bloomberg đã dự đoán, nếu Mỹ tuyên bố về tình trạng mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài thì nền kinh tế thế giới sẽ bị sụp đổ. Các nhà phân tích đã so sánh tình trạng vỡ nợ này với sự phá sản của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers, vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Trên thực tế, hầu hết cá thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trước nguy cơ Mỹ lần đầu tiên phải tuyên bố vỡ nợ.
Vậy là, chính sách điều hành nợ công và ban hành ngân sách "bên miệng hố chiến tranh" của Quốc hội và Nhà Trắng đã tạm thời dừng lại. Chỉ có điều, không ai dám chắc, đến giữa tháng 1/2014, trò chơi chính trị nguy hiểm này không tiếp tục lặp lại. Khi đó, kinh tế nước Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ lại đứng trước nguy cơ suy thoái mới với những hậu quả nặng nề hơn.
Các nhà làm luật của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã nhất trí trên nguyên tắc một thỏa thuận để nước Mỹ không bị vỡ nợ. Ảnh: AFP
|